Ngày hè của trẻ vùng cao

BBK -

Thiết kế chưa có tên.jpg

Đến thôn Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể), không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tầm tuổi 10 - 12 với nước da đen nhẻm, vai mang nặng những chiếc gùi đựng đầy bắp ngô hoặc rau rừng. Chị Triệu Thị Phương, trưởng thôn Nà Pài cho biết, ở đây hiện đang vào vụ mùa, hầu hết những đứa trẻ từ 10 tuổi trở lên đều giúp bố mẹ, làm ruộng, chăn trâu, cắt cỏ… đứa nhỏ hơn thì ở nhà trông em hoặc “tự chơi”.

Kể từ ngày được nghỉ hè, ngày nào em Triệu Thị Tường Vy (13 tuổi) cũng hộ bố mẹ chăn bò, không thì đi cấy trả công cùng mẹ. Khi được hỏi, Tường Vy nhanh nhảu nói: Bình thường đi học em không phải đi chăn trâu vì ở bán trú tại trường, cuối tuần mới được về. Hè năm nào em cũng dành thời gian để giúp bố mẹ, em hy vọng sẽ đỡ đần phần nào vất vả cho bố mẹ, để năm học mới có đủ tiền mua sách, vở cho em tiếp tục đi học”.

Be và Cầu vồng Ảnh ghép Tự hào Poster.jpg

Mẹ Vy không giấu nổi niềm tự hào: “Từ nhỏ, con đã theo tôi ra đồng cấy lúa. Năm nay lớn hơn, tôi hướng dẫn con đi gặt lúa. Tuy còn vụng nhưng cứ làm nhiều khắc quen tay”. Không chỉ giúp mẹ gặt lúa, Vy còn đảm nhận luôn một phần việc nhà, giúp mẹ trông em.

Nếu như những ngày này trẻ em nơi phố thị được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, đi du lịch cùng gia đình hay đến các khu vui chơi, giải trí, thì sân chơi trong những ngày hè là điều quá xa xỉ đối với trẻ em vùng cao.

Trên thửa ruộng ở thôn, tôi gặp em Triệu Đức Sang, 8 tuổi, đang cùng các bà, các mẹ gặt lúa. Em kể với tôi: “Các gia đình trong họ nhà em thay phiên giúp nhau gặt lúa. Tuần trước nhà em đã gặt xong, nên tuần này sang giúp nhà bác. Phải làm mới có tiền mua sách chuẩn bị năm học mới cô ạ”.

Xanh dương Nét vẽ cọ Mẹ Người có tầm ảnh hưởng Không cân xứng Ảnh bìa Facebook.jpg

Chị Triệu Thúy Kiều, thôn Nà Pài (Yến Dương), mẹ của em Sang chia sẻ: Tôi có hai con, một cháu 8 tuổi, một cháu 12 tuổi. Những ngày hè, các cháu không có chỗ nào vui chơi nên rất lo vì có thể xảy ra nhiều vấn đề không kiểm soát được. Vợ chồng tôi cùng cho con lên nương phụ việc, đồng thời chúng tôi sẽ an tâm vì bọn trẻ luôn trong tầm mắt để trông chừng.

Ngoài thời gian vất vả phụ giúp mọi việc gia đình, thời gian rảnh còn lại trẻ em vùng cao hoàn toàn tự lập trong việc vui chơi, bởi người lớn còn phải lo làm ăn. Chị Triệu Thị Phương, trưởng thôn Nà Pài cho biết: Thôn Nà Pài có 100% là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, bà con lo ăn còn chưa đủ nói gì đến lo chơi cho lũ trẻ. Trẻ em thì cứ trên 10 tuổi là phải đi theo phụ giúp bố mẹ trong những dịp nghỉ. Nói là 3 tháng nghỉ hè nhưng đây gần như trở thành mùa lao động, phụ giúp kinh tế gia đình của các em”.

Để tạo thêm sân chơi cho trẻ em ngoài thời gian giúp bố mẹ công việc gia đình, đoàn viên thanh niên trong xã cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức một số hoạt động sinh hoạt ngày hè cho trẻ em.

Nhưng do đặc thù đời sống và công việc ở vùng cao nên ngoài các buổi sinh hoạt do Đoàn Thanh niên xã tổ chức thì người dân ít có điều kiện cho trẻ đi tham gia các hoạt động ngày hè, trong đó các cháu nhỏ thì chủ yếu tự chơi ở nhà, cháu lớn thì phụ giúp gia đình những công việc vặt phù hợp với lứa tuổi là chính.

Chị Lý Thị Chuyên, Bí thư Đoàn xã Yến Dương (Ba Bể) chia sẻ: “Ngay sau khi tiếp nhận thanh thiếu niên từ các trường cho nghỉ hè về, chúng tôi đã chỉ đạo các chi đoàn thôn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt hè 2 buổi/tuần và sắp xếp vào thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn để các em tham gia đầy đủ nhất. Ngoài các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, chúng tôi còn trang bị thêm về kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông...

Xanh dương Nét vẽ cọ Mẹ Người có tầm ảnh hưởng Không cân xứng Ảnh bìa Facebook.jpg

Cũng giống như ở Yến Dương, trẻ em ở các xã khác trên địa bàn huyện cũng đều có một kỳ nghỉ hè tương đồng với những công việc vặt phụ giúp gia đình để mưu sinh.

Chị Hoàng Thị Minh Thúy, Phó Bí thư Huyện đoàn Ba Bể cho biết: “Bên cạnh những khó khăn về địa bàn thì lực lượng Đoàn, Đội nơi đây còn “mỏng” cũng khiến việc tập trung, dẫn dắt các em vào hoạt động tập thể gặp nhiều trở ngại. Cộng với những khó khăn về kinh phí nên chỉ có thể tổ chức được một số hoạt động vui chơi cho các em vào các dịp lễ như Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) hay dịp Tết Trung thu... Những hoạt động này tuy còn ít và chưa được đồng đều, nhưng nhìn những khuôn mặt háo hức, rạng rỡ của các em, chúng tôi cảm nhận được rằng đối với trẻ em nơi đây, một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi là cả mơ ước, khát khao”.

z5649503514357_48da211e8783e4ffe629f328ebd6614e.jpg
Trẻ ở thôn vùng cao Nà Pài đeo trên lưng những chiếc gùi to để lên nương cùng bố mẹ.

Thời gian 3 tháng nghỉ hè nhằm giúp các em học sinh được nghỉ ngơi thư giãn, có thêm những kỹ năng cần thiết ngoài nhà trường. Tuy nhiên, với các em sinh ra và lớn lên ở nơi đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng cao còn chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa ở trung tâm, thành thị. Để thiếu nhi vùng cao có nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng trong dịp hè, rất cần sự phối hợp từ gia đình, các tổ chức và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương.../.

Xem thêm