Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương
Những năm gần đây, nhờ tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế và huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thành phố Bắc Kạn có nhiều thay đổi tích cực, đời sống của Nhân dân được nâng cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã có bước phát triển mang vóc dáng đô thị hiện đại và sôi động.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 25/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều hoạt động nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch được thành phố triển khai như: Đầu tư xây dựng hồ chứa nước Nặm Cắt; khảo sát, mời gọi đầu tư phát triển du lịch tại hồ chứa thủy điện Thác Giềng; liên kết tour du lịch nhằm phát huy di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia động Áng Toòng cùng các công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh như đền Cô, đền Mẫu…
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu những công trình tạo điểm nhấn. Việc xây dựng một tuyến phố đi bộ trên địa bàn là rất cần thiết. Công trình này sẽ cung cấp thêm cho người dân và du khách một điểm đến lý thú, tạo không gian phát huy giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền, thúc đẩy thương mại, dịch vụ.
Tuyến đường Thanh Niên hiện trạng. |
Tại cuộc họp bàn về dự thảo Đề án “Không gian văn hóa - du lịch đầu nguồn sông Cầu” được tổ chức ngày 27/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đã đồng ý chủ trương và giao cho thành phố triển khai thực hiện ngay việc đầu tư xây dựng tuyến phố đi bộ. Thực hiện chỉ đạo này, Thành ủy, UBND thành phố Bắc Kạn đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, lên phương án đề xuất xây dựng tuyến phố đi bộ và hiện đang trình tỉnh cho ý kiến.
Theo Phương án, tuyến phố đi bộ có tổng mức đầu tư 42,8 tỷ đồng, chia làm 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng diện tích khoảng 34.500m2, gồm các khu vực như: Lòng đường, vỉa hè trục đường Thanh Niên và Khu vườn hoa tiếp giáp sông Cầu. Điểm đầu từ ngã tư (đoạn giao với cầu Đội Kỳ), điểm cuối là đoạn giao với đường Võ Nguyên Giáp (ngã tư đèn xanh đỏ xuống đường ngầm); Khu vực cầu Đội Kỳ (ngã tư cầu giao với đường Thanh Niên); phần đường ngã tư cầu giao với đường Thanh Niên và đoạn đường từ đầu cầu đến đầu sân Nhà Văn hóa tỉnh.
Phương án đầu tư tuyến phố gồm 2 giai đoạn. |
Giai đoạn 2 có tổng diện tích dự kiến khoảng 24.500m2, gồm lòng đường và vỉa hè trục đường Phặc Tràng (đoạn từ cầu Đội Kỳ đến Cầu Phà). Trong đó, điểm đầu từ ngã tư (giao với Cầu Đội Kỳ); điểm cuối là điểm giao giữa cầu sắt và đường Nguyễn Thị Minh Khai, toàn bộ công trình Cầu Phà; đoạn còn lại của tuyến đường Thanh Niên (từ Cầu Đội Kỳ đến ngã ba giao cắt với phố Quang Sơn, đường Nông Văn Quang).
Kỳ vọng tạo điểm nhấn để phát triển dịch vụ - du lịch
Dự án đặt ra mục tiêu xây dựng một điểm đến du lịch mới có sức hấp dẫn, là nơi trưng bày, lưu giữ và phát huy không gian văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thành phố Bắc Kạn kết hợp với dịch vụ thương mại. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí của người dân thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố Bắc Kạn đến du khách trong và ngoài nước.
Phương án đầu tư xây dựng tuyến phố đi bộ và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực thành phố Bắc Kạn đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận cán bộ, Nhân dân. Trong đó đa số đều ủng hộ chủ trương của tỉnh và thành phố đồng thời mong muốn tuyến phố đi bộ sớm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động.
Theo Phương án được trình, các hoạt động của phố đi bộ sẽ tổ chức vào buổi tối các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Gồm các hoạt động đa dạng, đặc sắc như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống hát Then, đàn Tính, trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của địa phương; triển lãm tranh, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, báo chí, giới thiệu sách, sinh vật cảnh; biểu diễn ca nhạc đường phố, vẽ chân dung, ký họa…; trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống; chụp ảnh check-in; kinh doanh, giới thiệu các sản vật đặc trưng của địa phương, sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ; các hoạt động kinh doanh ẩm thực, giải khát; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao phong trào ngoài trời…
Hình ảnh minh họa các hoạt động dự kiến sẽ tổ chức tại tuyến phố đi bộ khi đi vào hoạt động. |
Theo dự kiến, khi Phương án đầu tư xây dựng tuyến phố đi bộ được tỉnh phê duyệt, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong tháng 12/2023. Quý I/2024 sẽ triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư chỉnh trang, cải tạo hạ tầng đô thị tuyến phố đi bộ; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động quản lý phố đi bộ; thành lập Ban quản lý; xây dựng nội quy phố đi bộ, quy chế hoạt động của Ban quản lý phố đi bộ; liên hệ các tổ chức, cá nhân, cơ quan đơn vị phối hợp thực hiện các phương án tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật các hoạt động thương mại, dịch vụ trong không gian phố đi bộ. Dự kiến TP. Bắc Kạn sẽ khai trương thí điểm tuyến phố đi bộ và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực thành phố Bắc Kạn trong tháng 8 – 9/2024.
Để tuyến phố đi bộ được triển khai sớm, hiện UBND thành phố Bắc Kạn và các sở, ngành chức năng đang phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công trình, từ đó đồng thuận và tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng, hợp tác với chính quyền, đơn vị thi công nhằm sớm đưa tuyến phố đi bộ vào hoạt động theo kế hoạch./.