Bắc Kạn- Nơi đáng sống

BBK - Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, tỉnh Bắc Kạn có 18 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định gửi thiếp mừng thọ. Riêng huyện Ba Bể có 06 cụ. Phóng viên Báo Bắc Kạn đã tìm hiểu để lí giải về điều kỳ thú này.
Cụ Lê Thị Tương (mặc áo đỏ), năm nay tròn 100 tuổi.

Cụ Lê Thị Tương (mặc áo đỏ), năm nay tròn 100 tuổi.

Cụ Lê Thị Tương, ở thôn Bản Lạ, xã Yến Dương sinh năm 1924. Cụ hiện có 05 người con, gần 40 cháu, chắt. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ vẫn khỏe mạnh. Hỏi về bí quyết sống thọ, cụ cho biết: Không có bí quyết gì, vì thời trẻ thì cụ cũng đi rừng và làm việc đồng áng như bao người dân địa phương. Khi về già thì nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, sống hòa đồng với hàng xóm.

Bà Lô Thị Lỷ, 69 tuổi, con dâu của cụ Lê Thị Tương vui vẻ cho biết thêm: "Thời còn trẻ, tuy rất vất vả nhưng mẹ tôi ít khi ốm đau. Mẹ tôi hiện là người cao tuổi nhất xã, nhưng chưa phải là người có tuổi thọ cao nhất, vì trước đây, tại xã có cụ thọ trên 100 tuổi. Tuổi thọ nơi đây cao là do có nhiều cây xanh, không khí trong lành".

Chị Triệu Thị Ngọc, Trưởng thôn Bản Lạ, là cháu dâu của cụ Tương cho biết: “Thôn Bản Lạ hiện có 68 hộ, gần 400 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao. Toàn thôn hiện có hơn 30 cụ cao tuổi. Những năm qua, thôn luôn quan tâm, động viên và chăm sóc người cao tuổi. Bản thân tôi cũng cảm thấy vinh dự, tự hào khi được làm dâu trong dòng họ có nhiều người cao tuổi nhất xã”.

Cùng đi dạo với cụ Lê Thị Tương trên con đường bê tông vào thôn Bản Lạ, xung quanh có rất nhiều cây xanh, không khí trong lành, chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào về "nơi đáng sống", với nhiều cụ có tuổi cao đúng là như vậy.

"Bản Lạ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, thực phẩm sạch, cùng lối sống lành mạnh, nên nhiều người dân ở đây có tuổi thọ cao là đương nhiên", cụ Tương tự hào cho biết.

Cụ Ninh sống vui vẻ bên các con, 15 cháu, 5 chắt, 2 chít.

Cụ Ninh sống vui vẻ bên các con, 15 cháu, 5 chắt, 2 chít.

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn của cụ Hoàng Thị Ninh, thôn Bản Vài, xã Khang Ninh, chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết năm nay cụ tròn 100 tuổi.

Qua trò chuyện được biết, cụ Ninh sinh ra và lớn lên ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Thuở nhỏ, cụ thường làm ruộng, làm nương rẫy, đánh bắt cá tại hồ Ba Bể. Tới năm 20 tuổi thì lấy chồng, làm dâu tại xã Khang Ninh. Hiện, không những cụ tự chăm sóc cá nhân mà còn giúp con cháu một số việc làm vừa sức. Cụ thích ăn cá, rau, củ, quả. Hầu hết đều là thực phẩm sạch, bảo đảm nguồn gốc. Cụ cũng có thói quen ăn trầu lâu năm.

Ông Dương Xuân Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh chia sẻ: “Xã hiện có 1.009 hộ, trên 4.550 nhân khẩu. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi xã có nhiều người sống thọ. Số lượng người cao tuổi hiện là 520 người. Số cụ trên 70 tuổi là 160 người, từ 80 - 90 tuổi gần 100 người. Có 02 cụ 100 tuổi là cụ Hoàng Thị Ninh, thôn Bản Vài và cụ Hoàng Thị Lưu (Liu), thôn Khuổi Luông”.

"Không khí trong lành, nguồn thực phẩm sạch, an toàn cùng lối sống lành mạnh, khoa học, tinh thần lạc quan đã giúp người dân nâng cao tuổi thọ. Bên cạnh đó, việc con cháu hòa thuận, đoàn kết, quan tâm, yêu kính, chăm sóc người cao tuổi cũng là yếu tố quan trọng giúp họ sống vui, sống khỏe. Xã cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống người cao tuổi; động viên họ phát huy vai trò tuổi cao, gương sáng", ông Dương Xuân Giao chia sẻ.

Là xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Bể, người dân Khang Ninh sinh sống quanh hồ trong bán kính khoảng từ 5 - 6km tính từ trung tâm lòng hồ. Năm 1995, hồ Ba Bể được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Một số du khách còn so sánh hồ Ba Bể với những hồ nước ngọt trên cao nổi tiếng thế giới như hồ Carezza ở Italy (cũng nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển), hay cho rằng bầu không khí ở những vùng hồ nước ngọt trên núi đá vôi như thế có tác dụng chữa lành, rất tốt với sức khỏe con người.

Ông Hứa Quang Sỹ, Chủ tịch UBND xã Khang Ninh, huyện Ba Bể kể: Đã 09 năm nay, vào đúng ngày Đông chí, xã Khang Ninh luôn đón đoàn khách từ Hà Nội đến gồm 03 cặp vợ chồng lưu trú qua đêm. Lý do chính để đoàn khách tìm đến vì họ tin rằng Ba Bể là nơi trời đất giao thoa đúng ngày Đông chí. Theo lời kể của họ, những nhà khoa học, những nhà thiên văn địa lý có phân tích rằng: Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên, có cánh rừng nguyên sinh. Chính vì thế, vào đúng ngày Đông chí hằng năm, đây là nơi trời đất giao thoa, sinh ra những luồng tinh khí lành. Vì vậy, mặc dù bận rộn tới đâu, vào đúng dịp này họ đều sắp xếp thời gian để đến Ba Bể, với niềm tin có thể hấp thụ những tinh khí lành của trời đất để được khỏe mạnh, thông tuệ và trường thọ.

Đoàn khách Hà Nội đã 09 năm luôn trở lại Ba Bể vào dịp Đông chí.

Đoàn khách Hà Nội đã 09 năm luôn trở lại Ba Bể vào dịp Đông chí.

Niềm tin của đoàn du khách là hoàn toàn có cơ sở, khi mà trong suốt chiều dài lịch sử, Bắc Kạn là một trong số ít những địa bàn mà đất và nước không phải gánh chịu chất độc hóa học do đế quốc sử dụng trong chiến tranh phá hoại và hủy diệt. Bao năm qua, tỉnh Bắc Kạn vẫn giữ được tỷ lệ che phủ rừng từ 70% trở lên. Năm 2023, đạt tỷ lệ 73,3% (cao nhất cả nước). Quyết định số 4161/QĐ-BTNMT ngày 28/12/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PEPI 2022) cho thấy: Với 70,29 điểm, Bắc Kạn vươn lên xếp vị trí thứ 02 toàn quốc trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ sau thành phố Đà Nẵng (73,33 điểm).

Đầu xuân mới, kính mời du khách hãy đến với Bắc Kạn để hòa mình cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hưởng thụ bầu không khí trong lành và trải nghiệm bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của nơi đây để nâng cao sức khỏe, có thêm niềm tin yêu trong cuộc sống./.

Phương Thùy - Việt Bắc

Xem thêm