BẦU CỬ LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ THIÊNG LIÊNG CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước nói chung và cử tri tỉnh Bắc Kạn nói riêng sẽ đi bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước nói chung và cử tri tỉnh Bắc Kạn nói riêng sẽ đi bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì Nhân dân. Để thực hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, cần có người đại diện cho Nhân dân ở các cơ quan quyền lực nhà nước, đó chính là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại Điều 79, Hiến pháp năm 2013 quy định “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”. Điều 113 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định và việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã nêu rõ “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước”.

Để đảm bảo quyền được bầu cử của cử tri và cử tri lựa chọn đúng người cần bầu, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định 04 nguyên tắc trong bầu cử, đó là:  Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử đảm bảo cho mọi công dân không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nam-nữ, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú (trừ những người mất năng lực hành vi dân sự hay những người bị tước quyền bầu cử theo quy định của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử.

Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm đảm bảo để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với mỗi cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc tôn giáo…Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bố hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để đảm bảo tiếng nói đại diện của các vùng miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu (Điều 69 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).

Để cuộc bầu cử sắp tới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, các cấp, ngành và các địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử theo đúng sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Tỉnh ủy và Ủy ban bầu cử tỉnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân; gắn triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và nghị quyết đại hội đảng các cấp. Chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về bầu cử, công tác chuẩn bị bầu cử và không khí dân chủ, đúng pháp luật trong bầu cử, nhất là ý thức tự giác thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.

Hai là, cấp ủy, chính quyền các địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bầu cử. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử và tổ chức thật tốt các khâu, các bước tiến tới cuộc bầu cử. Tiếp tục tuyên truyền vận động cử tri tham gia bầu cử với tỷ lệ đi bầu cao nhất, đó là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng đối với đất nước, địa phương. Kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri; danh sách tiểu sử những ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; các quy định về trình tự, thể thức, địa điểm bầu cử, thời gian đi bỏ phiếu…

Ba là, các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua gắn với các hoạt động chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, y tế, phòng chống thiên tai, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm… trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng cuộc bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước./.

Hoàng Thị Dung

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn

Xem thêm