Công tác trong ngành Y hơn 10 năm, điều dưỡng viên Hoàng Thị Mai Tiếp công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như trong sự nghiệp y tế.
Điều dưỡng viên Hoàng Thị Mai Tiếp đang thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi. |
Gắn việc học tập và làm theo Bác vào nhiệm vụ chuyên môn
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Thái Nguyên, năm 2009, chị Tiếp về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Ngọc Phái, sau đó là Trạm Y tế thị trấn Bằng Lũng, năm 2014 được điều động về tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế Chợ Đồn cho đến nay. Trong từng đó năm công tác, chị cùng tập thể đã tiếp nhận, xử lý và điều trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân, hầu hết trong tình trạng nguy cấp, phức tạp như: Xuất huyết tiêu hóa, ngưng tuần hoàn hô hấp, đột quỵ, tai biến, ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu, lá cây rừng... Do đặc thù công việc phải thường xuyên đối mặt với các trường hợp cấp bách, bản thân chị Tiếp luôn ý thức rằng việc phản ứng nhanh với các tình huống là rất cần thiết, đòi hỏi mọi khâu phải thực sự chính xác, có như vậy mới cấp cứu kịp thời người bệnh, không để xảy ra rủi ro ngoài ý muốn.
Trong quá trình tiếp xúc với công việc, đôi lúc chị Tiếp cũng không tránh khỏi những tình huống bất ngờ, đó là một lần chị tiếp nhận một bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày do uống rượu, khi vào đến phòng cấp cứu, bệnh nhân liên tục nôn ra máu, giây phút đó khiến chị thực sự bối rối vì chưa từng gặp bệnh nhân nào nôn ra nhiều máu như vậy. Lo sợ bệnh nhân mất nhiều máu ảnh hưởng đến tính mạng, chị đã nhanh chóng tham khảo ý kiến Khoa, tiến hành các biện pháp cầm máu. Nhờ được tư vấn kịp thời và vận dụng kinh nghiệm đã có, chị đã giúp bệnh nhân qua cơ nguy kịch và ổn định trở lại. Đó là tình huống mà từng đó năm công tác chị Tiếp không thể nào quên.
Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bản thân chị Tiếp luôn coi trọng học và làm theo Bác là kim chỉ nam hành động gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Chị luôn tâm niệm người thầy thuốc phải luôn đề cao 2 chữ y đức, đưa tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu, luôn lắng nghe cầu thị trong công việc, nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân bằng thái độ khách quan, công tâm. Trong chuyên môn tuyệt đối không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe bệnh nhân, từ đó tạo lòng tin tuyệt đối cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân an tâm điều trị.
68 ngày tại tâm dịch thành phố mang tên Bác
Giữa năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và tử vong tăng cao. Hưởng ứng lời kêu gọi, huy động nhân lực ngành Y tế hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, chị Tiếp đã tình nguyện, xung phong vào "tuyến lửa" để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Tại đơn vị, chị cũng là người đầu tiên tham gia phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam.
Tạm rời xa gia đình, con nhỏ, chị Tiếp đã cùng đoàn gồm 16 cán bộ y tế của tỉnh vào Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện sứ mệnh cao cả, nơi đến hỗ trợ là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11 với quy mô 5.500 giường bệnh. Tại đây, chị được phân công vào khoa E, phối hợp với 01 bác sĩ chăm sóc từ 80-100 bệnh nhân F0. Hằng ngày công việc là khám, đo chỉ số sinh tồn, rà soát thông tin hành chính bệnh nhân, tổng hợp suất ăn, khẩu phần ăn để báo cáo hậu cần; cấp thuốc, nhu yếu phẩm cho F0, kịp thời phát hiện những bệnh nhân có biểu hiện trở nặng để chuyển về khu cấp cứu. Công việc tại khoa điều trị bệnh nhân Covid-19 nơi tâm dịch thời điểm đó luôn diễn ra với cường độ cao, bởi ngày nào lượt bệnh nhân ra vào viện cũng lên đến hàng trăm con số. Đôi lúc việc quá sức, có hôm phải làm đến 1-2h sáng vì phải bổ sung thông tin bệnh nhân để hoàn thiện bệnh án, nhiều lúc rơi vào trạng thái mệt mỏi nhưng nhìn tinh thần hăng say làm việc của đồng nghiệp, nhìn những ánh mặt bệnh nhân giành lấy sự sống mỗi ngày, chị vẫn cố gắng từng ngày để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Sau hơn 01 tháng tại khoa E, chị Tiếp được phân công vào Khoa hồi sức cấp cứu với 500 giường ô xy, đây là khoa hầu hết đều có triệu chứng nặng phải can thiệp thở máy. Trong thời gian chống dịch, mọi thứ cứ thế cuốn chị và đồng nghiệp theo. Áp lực và căng thẳng, song nhờ được gia đình động viên, hậu thuẫn, đồng nghiệp giúp đỡ, chị đã vượt qua khó khăn, thử thách tại tâm dịch. 68 ngày tham gia phòng, chống, dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, với chị Tiếp đó là những kỷ niệm khó quên, giúp chị vững vàng, trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi trở về địa phương, chị tiếp tục tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, là thành viên của tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng cấp cứu phản ứng sau tiêm tại các điểm tiêm lưu động, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19... Với những thành tích đó, chị đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen; được đơn vị, địa phương ghi nhận và đề xuất khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Thu Trang