Độc đáo ẩm thực xứ Tuyên

Như những vùng đất khác, ẩm thực Tuyên Quang đang dần định hình trong lòng thực khách cũng như tự mình tìm được chỗ đứng trong việc góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Như những vùng đất khác, ẩm thực Tuyên Quang đang dần định hình trong lòng thực khách cũng như tự mình tìm được chỗ đứng trong việc góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang được giới thiệu tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX-2015.
Các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang được giới thiệu tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX-2015.

Là tỉnh có đến 22 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc, mỗi miền đất nơi đây đều có một đặc sản riêng, tạo được dấu ấn trong lòng du khách như thịt trâu gác bếp, măng rừng, món bún truyền thống của huyện Lâm Bình; rượu ngô, thịt chua ở Nà Hang; Chiêm Hóa có bánh gai, mắm cá ruộng; Sơn Dương có cơm lam; Hàm Yên có gạo, vịt bầu Minh Hương… Để góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết về nghệ thuật ẩm thực, đến với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX, năm 2015 tại tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang mang đến một số sản vật đặc trưng là xôi ngũ sắc, lạp sườn, thịt trâu gác bếp và rượu ngô Nà Hang.

Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của đồng bào Tày dùng trong các dịp lễ, hội, tết. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng dẻo, thơm có 5 màu: trắng, vàng, xanh, đỏ, tím tượng trưng cho năm yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; tượng trưng cho đất, nước, mây, mưa, nắng thuận hòa. Xôi màu trắng là xôi không ngâm nước màu; màu đỏ dùng gấc chín; màu xanh dùng lá gừng già, lá sau sau; màu vàng dùng nước củ nghệ; màu tím dùng lá cơm nếp tím. Các loại lá, củ, quả được rửa sạch, nấu lấy nước, sau khi ngâm gạo nếp thành các màu vừa ý, cho vào chõ để đồ. Chiếc chõ đồ xôi này cũng rất đặc biệt, cao và làm bằng gỗ. Khi đồ, cho gạo vào trong chõ, tưới thêm một chút nước, đậy nắp rồi đặt vào chảo nước sôi. Khi nào có mùi thơm bốc ra từ chõ là xôi đã chín, xôi chín hạt bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Thưởng thức món xôi ngũ sắc, ta không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn được chiêm nghiệm những triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, với họ những ai ăn xôi ngũ sắc trong các ngày lễ, tế sẽ gặp nhiều điều may mắn, tốt lành.

Một đặc sản lừng danh khác của Tuyên Quang là thịt trâu gác bếp. Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm mù tạt.

Thưởng thức những món ăn ngon và nhấm nháp bằng rượu ngô men lá Nà Hang nổi tiếng thì chẳng còn gì hơn. Để cất được một chai rượu ngô thơm lừng, êm say là cả một quá trình công phu. Ngoài nguyên liệu chính là ngô thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Mỗi quả men là sự hòa quyện của hơn 20 loại lá rừng có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp. Ngô được chọn rất kỹ lưỡng, ngô bung xong để ráo nước, trộn đều với men và ngô được ủ vào chum khoảng nửa tháng là có thể đem đi nấu. Chỉ cần một nhấp rượu ngô Na Hang, ta có thể cảm nhận được hương vị mát lan tỏa khắp cơ thể.

Nhờ sự kết hợp khéo léo trong các món ăn với những nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng Tuyên Quang, những món ăn giản dị từ mâm cơm đời thường đều trở thành món ăn hấp dẫn, khoái khẩu như măng nhồi, canh cá chua, thịt chua, cơm lam chấm muối vừng, xôi ngũ sắc thơm ngậy… Tất cả sẽ góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết về nghệ thuật ẩm thực của du khách trong cuộc hành trình khám phá về vùng đất đẹp, giàu tiềm năng Tuyên Quang.

Thu Thảo

 

Xem thêm