Liên kết tạo lực đẩy cho du lịch Bắc Kạn

BBK - Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh chiến khu Việt Bắc” vừa diễn ra ngày 27/4 tại tỉnh Bắc Kạn, với sự tham gia của nhiều đại biểu Trung ương, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Bên lề hội thảo, các chuyên gia đã tham góp thêm giải pháp thúc đẩy du lịch vùng, du lịch Bắc Kạn.

IMG_19933.jpg
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Than 1.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: "Rất lâu rồi tôi mới có dịp quay lại Bắc Kạn. Giao thông từ Hà Nội đến Bắc Kạn đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn được xây dựng, kết nối với tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể sẽ giúp tạo lực đẩy cho du lịch. Tôi nói vậy để thấy căn nguyên khiến cho du lịch Bắc Kạn chưa thật sự bứt phá không chỉ nằm ở yếu tố giao thông mà ở chỗ Bắc Kạn chưa có sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá du lịch chưa đủ mạnh, hạ tầng du lịch còn hạn chế".

"Qua trao đổi với cơ quan chuyên môn của tỉnh, tôi biết nhiều nhà đầu tư lớn chưa mặn mà đến với Khu du lịch hồ Ba Bể một phần do ngại những quy định nghiêm ngặt khi đầu tư hạ tầng du lịch tại đây. Theo tôi, Bắc Kạn nên kiến nghị với bộ, ngành Trung ương xin cơ chế đặc thù để phát triển du lịch ở “viên ngọc xanh”. Một mặt để giúp các nhà đầu tư không cảm thấy bị quá bó buộc, mặt khác vẫn bảo đảm tuân thủ những quy định về bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật".

dăng 2.jpg

Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: Các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa, lịch sử là những yếu tố thuận lợi trong liên kết vùng. Nhưng mặt khác, đây cũng là trở ngại khi xây dựng tour, tuyến du lịch nếu các địa phương trong vùng có những sản phẩm du lịch gần giống nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách. Chính vì vậy, mỗi địa phương cần tạo bản sắc, định vị riêng của mình trong nền chung của vùng. Đối với Bắc Kạn, có tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn: Du lịch tự nhiên (hồ Ba Bể, động Nàng tiên, động Hua Mạ), du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng (ATK Chợ Đồn, nét văn hóa vùng cao đặc sắc), du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Từ tài nguyên này, Bắc Kạn có thể phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng núi hồ đi theo trục ngang Đông – Tây , kết nối giữa huyện Na Rì với huyện Ba Bể, cốt lõi là hồ Ba Bể. Du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng kết nối giữa Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Pác Nặm với điểm tựa ATK Chợ Đồn. Du lịch nông nghiệp theo trục dọc Bắc – Nam, kết nối giữa Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn – Bạch Thông – Ngân Sơn. Du lịch cộng đồng khai thác giá trị văn hóa, cảnh quan đặc sắc của huyện Pác Nặm, Ba Bể...

thuy 1.jpg

PGS, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Liên kết trong phát triển du lịch là xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho mỗi địa phương. Rất nhiều vùng liên kết trong cả nước đã được hình thành dựa trên sự tương đồng với văn hóa, lịch sử, cảnh quan, sự gần gũi về vị trí địa lý như: Vùng Tây Bắc mở rộng, vùng chiến khu Việt Bắc, vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Nam Trung bộ…

Tuy nhiên, phần lớn các liên kết này, bao gồm cả vùng chiến khu Việt Bắc còn lỏng lẻo, đã “liên” nhưng chưa thật sự “kết”. Điều này thể hiện rõ qua sự phối hợp giữa các địa phương thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, thậm chí có sự chồng chéo, giẫm lên nhau trong xây dựng sản phẩm, thu hút khách. Giải quyết vấn đề này cần xây dựng vai trò “nhạc trưởng” trong các vùng liên kết. Ví dụ như đối với vùng Tây Bắc mở rộng có thể nhấn mạnh vai trò của tỉnh Lào Cai, vùng chiến khu Việt Bắc là tỉnh Hà Giang vì là những tỉnh có du lịch phát triển mạnh. Hay rộng hơn có thể thành lập Ban điều phối giữa các tỉnh trong vùng liên kết du lịch. Liên kết chỉ có ý nghĩa khi các địa phương cùng nhau làm, cùng nhau phát triển.

Hoai.jpg

TS. Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chia sẻ: Năm 2017, khi chúng tôi làm xúc tiến quảng bá du lịch ở đồng bằng Sông Cửu Long, không mấy người biết đến du lịch Hà Giang. Nhưng sau sự kiện đó, lượng khách từ đồng bằng Sông Cửu Long đến Hà Giang tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy vai trò của quảng bá du lịch và liên kết liên vùng. Cùng với liên kết chính trong vùng Việt Bắc thông qua chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc”, Hà Giang còn tham gia liên kết vùng Tây Bắc mở rộng, liên kết với các tỉnh miền Trung, các thành phố lớn, liên kết quốc tế với Trung Quốc và các tỉnh có công viên địa chất toàn cầu. Qua hoạt động liên kết chúng tôi mở rộng thị trường du lịch, đồng thời cũng học hỏi được kinh nghiệm làm du lịch từ tỉnh bạn. 10 năm nỗ lực với những giải pháp cụ thể giúp du lịch Hà Giang định hình được trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thành quả mang lại là lượng du khách đến Hà Giang tăng mạnh qua từng năm, riêng năm 2023, tỉnh đón hơn 3 triệu lượt du khách, doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng. Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải thưởng là: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading Emerging Tourism Destination 2023)...

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn trong phát triển du lịch đặt trong mối liên kết vùng miền. Quan trọng là cách thức làm, sự quyết tâm của tỉnh trong hoạch định, ban hành chính sách để thực sự khai phóng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương giúp du lịch “cất cánh” đi lên./.

Xem thêm