Nhà văn Nông Viết Toại nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày

Khi nhắc đến Nhà văn Nông Viết Toại, mọi người lại nhớ đến hình ảnh nhà văn lão thành giản dị, gần gũi, cùng những đóng góp lớn của ông trong việc đặt nền móng phát triển và giữ gìn, truyền bá văn học dân tộc Tày.

Khi nhắc đến Nhà văn Nông Viết Toại, mọi người lại nhớ đến hình ảnh nhà văn lão thành giản dị, gần gũi, cùng những đóng góp lớn của ông trong việc đặt nền móng phát triển và giữ gìn, truyền bá văn học dân tộc Tày.

Nhà văn lão thành Nông Viết Toại
Nhà văn lão thành Nông Viết Toại


Nông Viết Toại (sinh năm 1926) là một người con của dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo hiếu học tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Khi 12 tuổi, nghe những câu lượn, những lời đối đáp của các cụ, các mẹ, ông đã bắt đầu ghi lại bằng tiếng của dân tộc mình, theo đó ông bắt đầu làm văn vần thất ngôn, theo sở thích chứ không mang mục đích đăng báo hay bảo tồn. 

Đến năm 1940, ông được theo học chữ Nho, nhờ đó có thêm kiến thức về thơ đường luật, nên các sáng tác sau này của ông hướng dần theo thể loại truyện thơ. Dấu mốc để mọi người biết nhiều hơn về những tác phẩm của ông là khi đi theo tiếng gọi của cách mạng các sáng tác của ông hầu hết đều hướng về công tác tuyên truyền, cổ động; đặc biệt khi bài thơ “Pây bộ đội” ra đời vào năm 1952 giúp cái tên Nông Viết Toại quen thuộc với bà con các dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung.

Những năm tháng kháng chiến ác liệt ấy ngôn ngữ Tày được sử dụng khá phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc Việt Bắc, chính vì vậy các tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của ông đến với người dân dễ dàng lan rộng; những câu thơ được bà con học thuộc và lưu truyền trong giờ lao động, trong lúc sinh hoạt hay lớp học của các em nhỏ. Ngoài làm thơ, ông còn viết truyện ngắn, bút ký; Nhờ thành thạo cả tiếng nói và chữ viết Tày, Nông Viết Toại đã dịch các tác phẩm tuyên truyền đến với bà con như: Anh hùng nông nghiệp Hoàng Anh (truyện ngắn, dịch năm 1954) hay dịch vở kịch Đại biểu phụ nữ..., không dừng lại ở đó, ông còn viết lời bài hát bằng tiếng Tày mang đến cho người dân những tiết mục giải trí thú vị.


Được biết đến là một người đa tài, tâm huyết với nhiều thể loại văn học nhưng có thể thấy, Nhà Văn Nông Viết Toại dành nhiều ưu ái cho Thơ hơn cả. Từ thuở niên thiếu, khi bắt đầu biết sáng tác, những tác phẩm đầu tay cũng là những câu thơ tiếng Tày, đến nay ông đã xuất bản rất nhiều tập thơ Tày để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Ngoảc Đếnh; Đét chang nâư; Rại róa vít pây… Đọc thơ Tày của ông ta sẽ như được nghe những câu chuyện, với các hình ảnh sống động như thể hiện ra trước mắt vô cùng gần gũi với độc giả. Các tác phẩm của ông rất mộc mạc, giàu hình ảnh giúp người đọc dễ dàng cảm nhận và liên tưởng ngay vào cuộc sống thật của mình. Sớm có tinh thần giác ngộ cách mang từ rất sớm, nên những sáng tác của ông hướng nhiều về cách mạng, về những con người, câu truyện ở thời kỳ hào hùng, gian khổ ấy.


Khi tìm hiểu về thơ của ông người đọc sẽ thấy được sự phong phú trong ngôn ngữ dân tộc Tày và không khó để bắt gặp những câu chuyện chiến tranh vô cùng thực tế. Bài thơ: Lẩn tuyện tức Mỵ (Kể chuyện đánh Mỹ - Nông Viết Toại) là một câu chuyện dài, đơn sơ được kể với một lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc rất lớn; hình ảnh những chiếc máy bay của quân địch bị bộ đội ta bắn tan được miêu tả cụ thể, chân thực: những mảnh vỡ không thể dùng làm chậu, làm chảo vì bị vết đạn của quân ta bắn thủng to đến 03 gang tay; được thể hiện qua các các đoạn thơ như: “Tắp mà củng đảy chất pác lai ăn/ Nghé lẻ ép bốn nghé lẻ ép năm/ Ép lăng lẻ ép sắp căm thâng củng láng/ Hết pừn bấu pền pừn/ Hết áng bấu pền áng/ Véng sle hâư củng khoảng bảt kha” 


Nhà văn Nông Viết Toại còn được coi là cây cổ thụ của Văn học Nghệ thuật Bắc Kạn, là nơi để thế hệ trẻ học hỏi, xin ý kiến và luôn nhận được những lời khuyên quý giá. Thơ của nhà văn Nông Viết Toại mang nhiều hình ảnh gắn với đời sống sinh hoạt và các sự kiện của đất nước; đặc biệt thơ Tày của ông thuần Tày, các câu tục ngữ, thành ngữ Tày cũng được ông sử dụng một cách tinh tế, linh hoạt; thơ ông còn là nguồn phong phú để tìm ra những tiếng Tày cổ, những phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần, ngôn ngữ cổ… đang bị mai một dần theo thời gian.


Chia sẻ về những trăn trở với văn hóa dân tộc Tày, nhà văn Nông Viết Toại nói: Trong hai cuộc Kháng chiến công Mỹ và chống Pháp, ngôn ngữ Tày đã có đóng góp không nhỏ vào công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nhưng trong giai đoạn hiện nay, tiếng kinh phổ biến hơn, tiếng Tày ít được sử dụng và có dấu hiệu bị mai một đi, đặc biệt là lớp trẻ bây giờ không còn tha thiết với các tác phẩm tiếng Tày.


Tuy đã bước sang tuổi 90, nhưng ông vẫn không ngừng hoạt động và cống hiến, gặp chúng tôi, ông khoe vừa từ Ngân Sơn trở về, hơn một tháng vừa qua ông đã đi tìm hiểu thông tin để làm cuốn sách về văn hóa dân tộc Tày. Xin khép lại bài viết bằng mong muốn giản dị của nhà văn lão thành Nông Viết Toại: Tôi chỉ mong lớp trẻ sẽ luôn nhớ về cội nguồn, tìm hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc mình để hồn cốt dân tộc Tày luôn còn mãi, những nét văn hóa sẽ được lưu giữ, truyền lại cho những thế hệ mai sau…
 

Bích Phượng

Xem thêm