Quyết liệt tháo gỡ về thể chế, phản ứng chính sách kịp thời hơn nữa

BBK- Sáng 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

hop-3351-5860.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 7 vừa qua, toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu suốt đời vì dân vì nước; nhà lãnh đạo thể hiện đầy đủ tài năng, phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn Lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi ân cần đến gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do lũ lụt, sạt lở vừa qua ở những vùng miền bắc, miền trung.

Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, trước yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị quyết định họp Trung ương để kiện toàn chức danh Tổng Bí thư ngày 3/8 vừa qua. Trung ương đã thống nhất bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối 100%.

Về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, trong đó có 3 điểm đáng lưu ý: biến động chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang (Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza); kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi chậm và thiếu vững chắc, thiếu đồng đều với giá đôla Mỹ, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia; FED chưa cắt giảm lãi suất; già hóa dân số, thiếu hụt lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai ảnh hưởng nặng nề, tiếp tục là khó khăn, thách thức toàn cầu; đặc biệt, thế giới đã trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong tháng 7 vừa qua.

Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn nhất là đối với nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng gây ảnh hưởng lớn ở bên trong.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6; tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Chúng ta cùng nhau phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, phải chăng đó là công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế? Hay nói như báo chí quốc tế vừa bình luận, đó là sự quản lý, điều hành, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương. Do đó, chúng ta cần phân tích thêm điểm này để tìm nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu một số điểm nổi bật: tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, có thặng dư. Điều đáng mừng là 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tích cực; tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; cải cách thủ tục, hành chính được đẩy mạnh, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước ta tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cũng nhìn nhận thẳng thắn: kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, nhất là sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh nhiệm vụ; an ninh trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn phức tạp; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Điều đáng ghi nhận là vừa qua, chúng ta đã tăng lương cơ sở, đây là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện điều này, Chính phủ đã tiết kiệm chi, tăng thu, cơ cấu lại thu chi, đầu tư để tiết kiệm khoảng 700 nghìn tỷ đồng cho việc tăng lương cơ sở vừa qua. Điều đáng mừng là chúng ta kiểm soát được tình hình, lạm phát tăng không đáng kể như đối với các nhóm hàng hóa xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng.

Phiên họp này nhằm tập trung phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những mặt được, chưa được, bài học kinh nghiệm cho nhiệm vụ tháng 8 và thời gian tới; Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, công sức, đóng góp ý kiến, nhất là đánh giá những mặt được, nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quản lý , điều hành. Nêu những bài học hay, điển hình tiên tiến để tạo ra động lực, thí dụ như công tác xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 là một cách làm hay, đột phá; dự báo tình hình thời gian tới, nhất là tháng 8 và từ nay đến cuối năm để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 7% không? Muốn vậy, hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương phải làm gì để phải tạo đột phá?

Phải chăng là phải quyết liệt tháo gỡ về thể chế, tổ chức thực hiện tốt các Luật đã được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua?

Phải chăng các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động hơn nữa, phải phản ứng chính sách tốt hơn; tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới…?

Thủ tướng yêu cầu thực hiện với tinh thần phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, tăng cường giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng, xử lý phải kịp thời. Chú trọng các nội dung cụ thể, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm tốt công tác chuẩn bị Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đề nghị việc soạn thảo Nghị quyết phiên họp này phải ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết tháng 8, quý III, từ nay đến cuối năm; bảo đảm dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát…

* Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 0,7% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so tháng 6 và tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so tháng trước và giảm 1,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 40,2% và tăng 23,6%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).

Các đại biểu tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Các đại biểu tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so tháng trước và tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so tháng trước và tăng 19,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD)./.

Xem thêm