Tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp

BBK - Hiện nay, trong cộng đồng và ở các cơ sở y tế ghi nhận rải rác số người mắc cúm mùa. Ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là với bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. 

z6310930535867-b7f28fe04718.gif
Các bệnh nhi bị cúm đang điều trị tại BVĐK tỉnh

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan ở phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn ban đầu chỉ có một cháu mắc cúm với các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi... sau đó lây ra cả nhà. Chị Ngoan cho biết: "Tôi không biết con mình bị mắc cúm nên chủ quan, không có biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Đến khi ho, sốt cao đưa cháu đi khám bệnh bác sĩ cho biết con tôi mắc cúm mùa thì gia đình có thêm 02 con nhỏ đã mắc cúm. Hiện cả 03 con tôi phải điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Nhờ được điều trị, uống thuốc kịp thời nên các các con tôi đã đỡ hơn, không ho nhiều nữa..."

Bác sĩ CK II Hoàng Thị Đường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, tại BVĐK tỉnh có hơn 100 trường hợp bị cúm đến khám, nhiều trường hợp bị nặng thì điều trị tại bệnh viện. Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do vi rút cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp... nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ thì cảm cúm thường tự khỏi và không phải nhập viện.

Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì vi rút sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng nguy hiểm nên không được chủ quan. Vi rút cúm khi xâm nhập vào cơ thể người làm suy yếu khả năng phòng vệ. Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mạn tính như: Tiểu đường, tim mạch thường có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.

Theo thống kê của Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn trong tháng 01 năm 2025, toàn tỉnh ghi nhận hơn 400 người bị mắc cúm, rải rác ở trên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị trực thuộc đảm bảo kinh phí và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi; tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ.

Theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp... Bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong...

Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ cở khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo cơ sở vật chất, giường bệnh, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp... Khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm; tiêm vắc xin có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh và hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tăng cường dinh dưỡng, luyện tập để nâng cao sức đề kháng, tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh và đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện bệnh như sốt, ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, phát ban… để được khám, phát hiện bệnh kịp thời./.

Xem thêm