Thế giới tuần qua: Hành động để đẩy lùi xung đột

Tuần qua (04-10/12), dư luận thế giới tiếp tục hướng chú ý về tình hình chiến sự ở Gaza. Những hệ lụy thảm khốc mà người dân nơi đây phải gánh chịu đã một lần nữa thúc giục cộng đồng thế giới cần mau chóng hành động để đẩy lùi xung đột.

Tổng thư ký Liên hợp quốc hối thúc hành động để ngăn chặn thảm họa ở Gaza

Người dân Gaza đang hứng chịu thảm họa nhân đạo tồi tệ do xung đột. Ảnh: CNN

Người dân Gaza đang hứng chịu thảm họa nhân đạo tồi tệ do xung đột. Ảnh: CNN

Ngày 06/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có động thái hiếm hoi khi viện dẫn Điều 99 trong Hiến chương Liên hợp quốc để lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza. Đây là lần đầu tiên ông Guterres có động thái như vậy kể từ sau khi trở thành Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 2017.

Điều 99 trong Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ, Tổng thư ký Liên hợp quốc có thể lưu ý Hội đồng Bảo an về bất kỳ vấn đề nào được cho là có thể đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Theo phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric, với mức độ thiệt hại về người ở Gaza và Israel trong thời gian ngắn như vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chuyển một lá thư tới Chủ tịch Hội đồng Bảo an viện dẫn Điều 99 trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Theo nội dung bức thư được Ban Thư ký Liên hợp quốc tiết lộ, ông Guterres đã kêu gọi các bên thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza.

"Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gây sức ép để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về việc tuyên bố ngừng bắn nhân đạo… Đây là điều khẩn cấp. Dân thường phải được tạo điều kiện để tránh khỏi những tổn hại lớn hơn. Lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ mở đường cho các phương tiện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo tới Dải Gaza một cách an toàn và kịp thời" - bức thư của ông Guterres có đoạn viết.

Hiện đụng độ giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas đã nổ ra tại các thành phố lớn nhất của Dải Gaza, đánh dấu giai đoạn mới của cuộc xung đột đang bước sang tháng thứ ba liên tiếp. Liên hợp quốc cho biết, giao tranh tiếp diễn nhiều ngày qua đã khiến nhiều khu vực bị san phẳng bởi các cuộc bắn phá của Israel, với 85% trong số 2,3 triệu dân số ở Gaza bị mất nhà cửa.

2023 sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử?

Một người đàn ông dội nước lên đầu làm mát dưới thời tiết nắng nóng tại Dải Gaza ngày 19/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một người đàn ông dội nước lên đầu làm mát dưới thời tiết nắng nóng tại Dải Gaza ngày 19/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 06/12, Cơ quan Giám sát Tình trạng Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo 2023 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử sau khi tháng 11 trở thành tháng thứ 6 liên tiếp trong năm phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.

Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dự báo sẽ gây áp lực lên các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Các chuyên gia C3S trước đó dự báo năm nay có thể trở thành năm nóng nhất kể từ năm 2016 sau khi tháng 9 và tháng 10 liên tục phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.

Theo C3S, 11 tháng đầu năm nay chứng kiến nền nhiệt trung bình cao hơn 0,13 độ C so với năm 2016 - năm nóng nhất ghi nhận trước đó. Nhiệt độ toàn cầu trong nửa cuối năm tăng cao được cho là một phần do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra.

Báo cáo của C3S được công bố trong bối cảnh các nhà đàm phán của gần 200 quốc gia tham dự COP28 đang tranh luận về những chi tiết cuối cùng của một dự thảo thỏa thuận nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là tương lai của dầu mỏ, khí đốt và than đá, những nguồn phát thải chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế kiên quyết ngăn chặn vận tải trái phép trên biển

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 06/12, Cơ quan Vận tải Biển của Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn các hoạt động vận tải biển trái phép, góp phần vào nỗ lực kiểm soát các hoạt động nguy hiểm trên biển.

Nghị quyết trên được thông qua tại phiên họp Hội đồng quản trị của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) ở London (Anh).

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia (có tàu đăng ký treo cờ) chấp hành các quy định cấm hoặc quản lý áp dụng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa trên biển (STS).

Nghị quyết hối thúc các chủ tàu thường xuyên cập nhật kế hoạch vận chuyển hàng hóa trên biển, đặc biệt là với những kế hoạch có bao gồm hoạt động chuyển giao hàng giữa các tàu trên các vùng biển.

Ngoài ra, nghị quyết của IMO khuyến nghị các quốc gia có cảng biển tăng cường thanh tra những tàu cố tình sử dụng các biện pháp tránh bị phát hiện như tắt thiết bị định vị hoặc che giấu thông tin nhận diện tàu.

IMO ra đời năm 1948, đến nay gồm 175 nước thành viên. Hội đồng quản trị của IMO được bầu 2 năm/lần, nhiệm kỳ mới 2024-2025 vừa được bầu tuần trước gồm 40 nước thành viên.

Bolivia trở thành thành viên chính thức thứ 5 của MERCOSUR

Bolivia trở thành thành viên chính thức thứ 5 của MERCOSUR. (Nguồn: Prensa-Latina)

Bolivia trở thành thành viên chính thức thứ 5 của MERCOSUR. (Nguồn: Prensa-Latina)

Ngày 07/12, Khối Thị trường Chung Nam Mỹ (MERCOSUR) công bố quyết định kết nạp Bolivia trở thành thành viên chính thức thứ 5 của tổ chức liên kết kinh tế khu vực này.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo MERCOSUR diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro, Tổng thống Lula da Silva khẳng định việc Bolivia gia nhập MERCOSUR là một “thành tựu quan trọng” đối với khối này.

Chia sẻ trên trang mạng xã hội, Tổng thống Bolivia Luis Arce cho biết quốc gia Nam Mỹ này đã là thành viên chính thức của MERCOSUR sau khi “Nghị định thư gia nhập MERCOSUR” được chấp thuận và ban hành trong một buổi lễ tại hội nghị thượng đỉnh, với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước thành viên ban đầu của Khối là Argentina, Brazil, Paraguay, và Uruguay.

Tổng thống Bolivia mô tả việc gia nhập MERCOSUR là “một cột mốc quan trọng trong hội nhập khu vực.”

Bolivia sẽ có 4 năm để điều chỉnh chính sách về thuế xuất nhập khẩu cho phù hợp với các quy định về hải quan của MERCOSUR. Sau quá trình này, La Paz sẽ có quyền bỏ phiếu về các quyết định trong Khối.

Bolivia là đối tác liên kết với MERCOSUR từ năm 1998. Năm 2015, nước này đã ký nghị định thư gia nhập Khối. Việc kết nạp thêm Bolivia, quốc gia có trữ lượng khí đốt và lithium lớn, thị trường MERCOSUR sẽ được mở rộng từ 283 triệu dân lên 295 triệu dân.

Armenia và Azerbaijan nhất trí tiến tới bình thường hóa quan hệ

Quân nhân Azerbaijan đứng gác tại trạm kiểm soát Lachin ở Nagorno-Karabakh, ngày 01/10/2023. (Ảnh: Aziz Karimov/AP)

Quân nhân Azerbaijan đứng gác tại trạm kiểm soát Lachin ở Nagorno-Karabakh, ngày 01/10/2023. (Ảnh: Aziz Karimov/AP)

Ngày 07/12, Azerbaijan và Armenia đã ra tuyên bố chung, nhất trí ý thực hiện các bước đi mới hướng tới bình thường hóa quan hệ và trao đổi tù nhân chiến tranh, như một phần của các cử chỉ thiện chí chung nhằm thúc đẩy hòa giải giữa hai láng giềng Nam Capcaz.

Theo đó, hai bên đồng ý "thực hiện các bước hữu hình nhằm xây dựng lòng tin" và tái khẳng định "ý định bình thường hóa quan hệ và ký kết thỏa thuận hòa bình". Baku sẽ trả tự do cho 32 tù nhân chiến tranh Armenia, trong khi Yerevan sẽ trả tự do cho 2 quân nhân Azerbaijan, coi đây là một hành động mang tính nhân văn và thiện chí.

“Hai nước tái xác nhận ý định bình thường hóa quan hệ và đạt được hiệp ước hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” - tuyên bố nhấn mạnh thêm.

Hai láng giềng khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin bổ sung sẽ được thực hiện trong tương lai gần nhất và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ những nỗ lực này. Tuyên bố chung cho biết: “Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaijan chia sẻ quan điểm về cơ hội lịch sử để đạt được nền hòa bình được chờ đợi từ lâu trong khu vực”.

Những tuần gần đây, Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình nhằm khép lại hàng thập kỷ xung đột ở Nagorny-Karabakh - vùng núi nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đa số dân sinh sống là người gốc Armenia. Các cuộc đàm phán hòa bình do quốc tế làm trung gian trước đó đã không tạo ra bước đột phá nhưng lãnh đạo cả hai nước khi đó đều tin tưởng rằng một hiệp định hòa bình toàn diện có thể được ký kết vào cuối năm nay.

Trong một phản ứng đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ca ngợi thỏa thuận này là một bước đột phá lớn. Ông cũng đặc biệt hoan nghênh việc Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận trả tự do cho những người bị giam giữ và tạo ra “sự mở đầu chưa từng có tiền lệ trong đối thoại chính trị”. Ông Michel kêu gọi Armenia và Azerbaijan hoàn tất thỏa thuận hòa bình càng sớm càng tốt./.

Xem thêm