Sáng 29/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Phát biểu tại Hội thảo khoa học định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Năm 2022-2023, cùng với việc ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, TP. Hà Nội đang triển khai rất nhiều công việc nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 15-NQ/BCT của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Trong suốt quá trình phát triển, Thành phố luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên của các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực.
Cho đến nay, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan được Thành phố giao lập Quy hoạch Thủ đô đã phối hợp với Liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh), hoàn thành dự thảo 1 Quy hoạch. Hiện đang hoàn thiện để thực hiện các bước xin ý kiến đối với Quy hoạch theo quy định.
Trong quá trình nghiên cứu, lập Quy hoạch, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các cơ quan, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức cũng nằm trong chuỗi các Hội thảo này.
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, việc tổ chức được buổi Hội thảo hôm nay cũng chính là phát huy, huy động nguồn lực trí tuệ, chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô cho công tác Quy hoạch Thủ đô nói riêng và xây dựng phát triển Thủ đô nói chung.
Các bài viết của các nhà khoa học đóng góp vào quy hoạch Thủ đô có nội dung đa dạng, phong phú, có chất lượng rất cao với hai tuyến bài chính tập trung làm rõ hơn, phát triển thêm những nội dung được đề cập trong Đề cương định hướng Thủ đô. Trong đó, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của "văn hiến – văn minh – hiện đại"; những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô với nhiều gợi ý được đánh giá là xác đáng, có nhiều ý tưởng mới, đột phá, có tính khả thi cao.
Phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của Thủ đô. Tuyến bài này có nhiều bài viết với chuyên môn rất sâu về quy hoạch kiến trúc, về không gian ngầm, về phát triển giao thông, xây dựng phát triển đô thị, phát triển rừng trong Thành phố; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, mô hình tăng trưởng kinh tế và đặc biệt những vấn đề về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Các bài viết đều thể hiện kiến thức sâu rộng, trí tuệ , sâu sắc , tâm huyết với tình yêu Hà Nội của các nhà khoa học, các chuyên gia, có ý nghĩa đóng góp rất lớn đối với chỉ đạo, điều hành, xây dựng phát triển Thủ đô nói chung và quá trình lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng.
Định hướng xây dựng Thủ đô Thông minh, xanh thanh bình và thịnh vượng
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải mong muốn, ngoài các nội dung có chất lượng của các bài viết đã có, với mục tiêu Hội thảo ngày hôm nay, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tham luận, thảo luận đóng góp để làm rõ yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là các đặc thù về văn hoá, lịch sử, về địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Thông qua việc đánh giá bức tranh hiện trạng, thực trạng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là so sánh với các Thủ đô, thành phố trên thế giới xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn trước.
Đồng thời, với chuyên môn cùng với kinh nghiệm làm việc với các chuyên gia quốc tế, trải nghiệm nhiều Thủ đô, thành phố trên thế giới, các chuyên gia, nhà khoa học có thể gợi ý các ví dụ điển hình của các nơi trên thế giới mà Hà Nội có thể học hỏi để đạt được mục tiêu như trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.
"Việc xác định được chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ góp phần đưa ra được những ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Qua đó, tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung các quan điểm phát triển Thủ đô, mục tiêu phát triển Thủ đô, các khâu đột phá; các phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các giải pháp thực hiện Quy hoạch với mục tiêu khát vọng như nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận. Dự kiến nêu đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố đáng sống với hệ giá trị 8 đặc trưng: Thủ đô Văn hiến, kết nối toàn cầu; thanh lịch hào hoa; phát triển hài hoà; thanh bình thịnh vượng; chính quyền phục vụ; doanh nghiệp số, doanh nghiệp cống hiến; xã hội số, xã hội niềm tin; người dân hạnh phúc.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung vào các vấn đề như làm rõ hơn, phát triển thêm những nội dung được đề cập trong Đề cương định hướng Thủ đô. Trong đó, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương Định hướng Quy hoạch Thủ đô với nhiều gợi ý được đánh giá là xác đáng, có nhiều ý tưởng mới, đột phá, có tính khả thi cao.
Đồng thời, phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của Thủ đô. Tuyến bài này có nhiều bài viết với chuyên môn rất sâu về quy hoạch kiến trúc, về không gian ngầm, về phát triển giao thông, xây dựng phát triển đô thị, phát triển rừng trong thành phố... khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, mô hình tăng trưởng kinh tế… và đặc biệt những vấn đề về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Các ý kiến đều thể hiện kiến thức sâu rộng, trí tuệ, sâu sắc, tâm huyết với tình yêu Hà Nội của các nhà khoa học, các chuyên gia, có ý nghĩa đóng góp rất lớn đối với chỉ đạo, điều hành, xây dựng phát triển Thủ đô nói chung và quá trình lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng./.