Bắc Kạn: Giữ rừng gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp, ngành của tỉnh chú trọng. Qua đó, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Tỉnh Bắc Kạn là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng

Tỉnh Bắc Kạn là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đạt kết quả cao, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 28/02/2017 về triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương mới ban hành; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 375/KH-UBND ngày 11/10/2017 nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn, thể hiện bằng việc đã ban hành các chỉ thị như: Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 13-CT/TU); Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn...

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai quán triệt đến các đảng bộ, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Việc quán triệt, tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ từ cấp ủy, UBND các cấp đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể qua đó đã tạo chuyển biến tích cực và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ duy trì công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ duy trì công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Đồng chí Triệu Huy Chung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Huyện xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm và đã được xác định trong nghị quyết của Đảng các cấp, trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm nếu xảy ra các vụ vi phạm phức tạp, nghiêm trọng về phát phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật thuộc lĩnh vực, địa phương mình quản lý hoặc để cấp dưới của mình vi phạm các quy định về lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, từ năm 2017 đến nay đã có 02 cán bộ bị xử lý kỷ luật do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; 03 tập thể lãnh đạo quản lý được cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm sâu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tỉnh Bắc Kạn đã cụ thể hóa chính sách phát triển lâm nghiệp thông qua các nghị quyết của Đảng, HĐND và các văn bản của UBND tỉnh. Tại Nghị quyết số 02-NQ/ĐH ngày 17/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định mục tiêu: “Trồng mới 6.500ha rừng/năm, nâng độ che phủ rừng lên 72%” và xác định nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng”.

Tại Nghị quyết số 16-NQ/ĐH ngày 28/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: “Diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 3.500ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%” và xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch”.

Từ năm 2017 đến nay, hệ thống vườn ươm cố định cung cấp đủ cây giống cho kế hoạch trồng rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, hệ thống vườn ươm cố định cung cấp đủ cây giống cho kế hoạch trồng rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh ban hành 04 nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022 với 29 văn bản gồm: 01 chỉ thị, 06 quyết định, 12 kế hoạch, 10 văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp được đẩy mạnh thực hiện, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tham gia quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Những kết quả đạt được

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 37.169ha (trồng rừng mới, trồng sau khai thác 24.410ha, trồng cây phân tán 12.759ha), tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với hơn 73%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 300.000m3 - 350.000m3/năm. Tổ chức được 10 hội nghị tuyên truyền về quy định pháp luật đối với quản lý lâm sản, chế biến thương mại lâm sản với 1.300 lượt người tham gia; tổ chức 11 cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) các cấp...

Đến nay toàn tỉnh đã trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác được 101.247ha, trong đó giai đoạn 2017-2022 trồng được 37.169ha.

Đến nay toàn tỉnh đã trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác được 101.247ha, trong đó giai đoạn 2017-2022 trồng được 37.169ha.

Toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 3.000 vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng; lực lượng Công an đã thụ lý, điều tra, xử lý 184 vụ án. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính giai đoạn 2017 - 2022 là 117 vụ vi phạm (giảm 113 vụ so với giai đoạn 2011 - 2016). Mặc dù số vụ việc vẫn còn cao nhưng tính chất, mức độ của các vụ việc đã giảm dần. Các vụ vi phạm chủ yếu là người dân phát phá rừng tự nhiên sản xuất có trữ lượng gỗ thấp hoặc không có trữ lượng để lấy đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng.

Từ 2017 đến nay, có 10 dự án được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 03 loại rừng của tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 417.539ha (trong đó, 27.593ha rừng đặc dụng, 83.465ha rừng phòng hộ, 306.481ha rừng sản xuất), chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên.

Đồng chí Dương Ngọc Thuyết, Bí thư Huyện ủy Ba Bể cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn hiện nay cơ bản được duy trì ổn định; tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật được ngăn chặn; lực lượng Kiểm lâm đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR, chống chặt phá rừng. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan lập hồ sơ 297 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chuyển cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự 25 vụ, xử lý hành chính 272 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thu được những kết quả quan trọng; các vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời; công tác phát triển rừng đạt chỉ tiêu, kế hoạch giao và chuyển dần sang trồng các loài cây gỗ lớn; từng bước hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ.

Giai đoạn 2017-2022, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 300.000 - 350.000 m3/năm.

Giai đoạn 2017-2022, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 300.000 - 350.000 m3/năm.

Kết quả đạt được góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền ở các cấp, đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân; xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 13-CT/TW và các văn bản liên quan.

Tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các công trình, dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các hành vi chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật.

Đồng thời, tăng cường thu hút nguồn lực tài chính từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ sinh kế cho người dân; sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật về phát triển lâm nghiệp và hỗ trợ phát triển lâm nghiệp từ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh…/.

Xem thêm