Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng nền báo chí cách mạng

BBK- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng bắt đầu sự nghiệp bằng nghề báo. Ông trải qua các vị trí công tác ở Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản từ cán bộ tư liệu, biên tập viên, Trưởng ban, Phó Tổng Biên tập đến Tổng Biên tập. Là một nhà báo, ông còn tham gia giảng dạy, đào tạo đội ngũ người làm báo Việt Nam tại Học viện Báo chí-Tuyên truyền.

089.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Trí Dũng–TTXVN

Ông trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, tư duy chính trị sâu rộng của ông luôn gắn với tư duy sắc bén của một nhà báo.

Năm đầu tiên giữ trọng trách Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu, lý luận hàng đầu của Đảng, ông đã có cuộc gặp, trao đổi với cán bộ của Tạp chí Lịch sử quân sự. Trong cuộc gặp ấy ông đã thẳng thắn trao đổi: Đất nước ta vừa giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Tạp chí Lịch sử quân sự đã làm rất tốt việc phản ánh, tổng kết chiến tranh cách mạng, nhưng cần từ tổng kết kinh nghiệm nâng lên thành lý luận phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nội dung của tạp chí được nhiều người quan tâm, số lượng phát hành của tạp chí khá lớn, đó là một thành công. Tiếp đó, ông quan tâm đến vấn đề phát hành, thành lập cơ quan đại diện ở các vùng và vấn đề tự chủ tài chính. Năm 1986, Tạp chí Lịch sử quân sự là một trong số ít cơ quan báo chí thực hiện được tự chủ tài chính.

Sau này, dù giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng, của đất nước, nhưng ông vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng nền báo chí cách mạng.

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư là tạo mọi điều kiện để báo chí Việt Nam phát triển phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, của thời đại. Làm thế nào để báo chí đóng góp sâu rộng và có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo được bầu không khí dân chủ, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể Bộ Chính trị đã ba lần nghe và góp ý, chỉ đạo đề án Quy hoạch phát triển báo chí Việt Nam của Chính phủ do Bộ Thông tin-Truyền thông soạn thảo. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư là tạo mọi điều kiện để báo chí Việt Nam phát triển phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, của thời đại. Làm thế nào để báo chí đóng góp sâu rộng và có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo được bầu không khí dân chủ, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Đồng chí rất quan tâm và chia sẻ những khó khăn của kinh tế báo chí và đời sống của người làm báo. Đồng chí đề nghị quy hoạch báo chí vừa bảo đảm nhu cầu thông tin của người dân, vừa phải bảo đảm cho người làm báo sống được bằng nghề.

Đồng chí yêu cầu, dù khó khăn đến mấy báo chí và nhà báo phải giữ vững bản lĩnh, đạo đức nghề báo, tiên phong đấu tranh chống tư tưởng sai trái và tiêu cực xã hội. Quản lý nhà nước phải theo kịp sự phát triển của báo chí. Quy hoạch báo chí phải đặt trong bối cảnh thông tin toàn cầu đang có sự thay đổi mới nhờ khoa học-công nghệ.

Dù bận trăm công nghìn việc, không chỉ quan tâm xây dựng nền báo chí cách mạng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn vẫn luôn là một nhà báo. Nhiều tác phẩm báo chí của ông về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, văn hóa và về xây dựng Đảng thường xuyên được đăng, phát trên báo đài.

Đặc biệt, các bài viết, phát biểu của đồng chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội đã tạo động lực, niềm tin, cổ vũ các nhà báo Việt Nam hưởng ứng, đồng hành tạo nên một phong trào rộng lớn, sâu sắc và quyết liệt.

Với nhân dân, ông là một nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân. Với những người làm báo Việt Nam, ông là một nhà báo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của báo chí cách mạng.

Tôi viết những dòng này từ tình cảm, sự kính trọng những lần được gặp, được nghe ông trao đổi, chỉ đạo và từ những bài báo của ông mà tôi được đọc.

HOÀNG HỮU LƯỢNG

Nguyên Cục trưởng Cục Báo chí

Xem thêm