Từ thực tiễn sinh động tại Bắc Kạn
Tôi có may mắn nhiều năm là phóng viên chuyên trách tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng (trong thời gian đồng chí là Chủ tịch Quốc hội và là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội), đã được chứng kiến nhiều câu chuyện ấn tượng, cảm động và học hỏi được rất nhiều về người lãnh đạo luôn giản dị, gần gũi Nhân dân và hết lòng vì dân, trong đó có Nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
Tôi nhớ mãi chuyến công tác tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kạn vào những ngày cuối cùng của năm 2009. Hồi đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nhưng được Bộ Chính trị phân công làm Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trực tiếp là Tổ trưởng tổ biên soạn hai văn kiện quan trọng này. Trước khi đi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã họp Đoàn công tác yêu cầu các thành viên của đoàn phải “nắm bắt tình hình thực tế của địa phương khó khăn để phục vụ công tác xây dựng văn kiện Đại hội XI của Đảng”.
Bắc Kạn hồi ấy sau hơn chục năm tái lập, tỉnh vẫn còn nghèo lắm. Đường từ Hà Nội về Bắc Kạn không dễ đi như hiện nay. Từ thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) đến các huyện càng khó đi. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng quyết định xuống ngay cơ sở sau đó mới về làm việc với lãnh đạo tỉnh. Cả Đoàn đến xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn.
Hôm đó, trời khá lạnh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mặc áo khoác dày giản dị như người vùng cao.
Bằng Phúc là xã vùng cao với diện tích tự nhiên gần 5 nghìn ha. Trong đó, diện tích rừng và đất rừng chiếm 70%, đất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 4%. Xã có 4 dân tộc là Tày, Dao, Kinh, Hoa. Cũng như nhiều đơn vị khác của huyện Chợ Đồn và tỉnh Bắc Kạn, cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Bằng Phúc có truyền thống đoàn kết, một lòng đi theo cách mạng và đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Năm 2001, xã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong xã, Bằng Phúc tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực…
Tại Bằng Phúc, cùng với việc trực tiếp đến các hộ gia đình, ân cần thăm hỏi sức khỏe và tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của bà con, đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã chăm chú lắng nghe những tâm tư, kiến nghị của bà con và gợi ý cách thức làm ăn mới. Phát biểu tại cuộc làm việc với Đảng ủy xã Bằng Phúc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những khó khăn của một xã miền núi nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hiện tượng chưa tốt mà đồng chí bắt gặp tại đây như một bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện hoặc chỉ cốt làm đủ ăn, tự sản tự tiêu…
Ngày hôm sau, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bắc Kạn, thay vì nghe báo cáo chung, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị tỉnh cho đoàn công tác biết: Với đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, địa hình chia cắt, hiểm trở, núi cao thì hiểu như thế nào về công nghiệp hóa – hiện đại hóa? Thực tế tiếp xúc, nắm tình hình thực tiễn tại một số huyện, xã của tỉnh, có thể thấy nông thôn Bắc Kạn đang có nhiều khởi sắc, nhưng cơ cấu các ngành kinh tế ở một tỉnh miền núi nên tổ chức như thế nào để vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế vừa giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu? Chúng ta nói cần tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số. Vậy, tình hình triển khai thực hiện chính sách này trên địa bàn như thế nào, có điểm nào được, điểm nào chưa được? Ở Bắc Kạn, có những huyện có tới khoảng 70% cán bộ cơ sở chưa qua đào tạo? Phải chăng đây là đặc thù của một tỉnh miền núi? Đối với địa phương miền núi như Bắc Kạn, địa hình chia cắt, hiểm trở thì hoạt động của cơ sở Đảng và việc phát huy vai trò của đảng viên như thế nào?...
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tuy thời gian làm việc, gặp gỡ với bà con các dân tộc tại tỉnh Bắc Kạn không nhiều, nhưng Đoàn Công tác đã thu được nhiều điều từ thực tiễn. Nhất trí với hướng đi của Bắc Kạn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc Bắc Kạn xác định hướng đi lên từ đất, từ rừng là phù hợp. Với truyền thống cách mạng kiên cường, đồng bào một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng, Bắc Kạn cần chú ý phát huy truyền thống này. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, là hành trang mà tỉnh có thể tập trung khai thác, giáo dục cho các thế hệ, động viên các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đóng góp cho sự phát triển của cả nước.
15 năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Bắc Kạn đã chuyển mình, cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được cải thiện rõ rệt.
Đến những quyết sách vì dân
Được đi cùng đồng chí Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến công tác ở trong nước hay nước ngoài, chúng tôi để ý bao giờ đồng chí cũng yêu cầu Văn phòng Quốc hội xếp lịch để có những cuộc tiếp xúc với cử tri ở cơ sở (nếu là trong nước) hoặc bà con Việt kiều (nếu ở nước ngoài). Trước khi tiếp xúc cử tri, đồng chí luôn dặn các đồng chí cán bộ địa phương là hãy lắng nghe dân nói và phải nói thế nào để dân hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Rất nhiều lần đến thăm các hộ dân mà không báo trước, đồng chí luôn gần gũi, động viên để dân nói thật tâm tư, nguyện vọng của mình.
Tất cả các ý kiến cử tri đều được đồng chí trân trọng và giao cho cán bộ đi cùng ghi nhận, sau đó được nghiên cứu và chuyển tải thành các quyết sách vì lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Vào tháng 3 năm 2009, tôi đi cùng đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đến huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Huyện có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh và có đường biên giới giáp với Campuchia. Trên địa bàn huyện có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là người Khmer và Stiêng.
Tại đây, đồng chí nghe thấy các đồng chí cán bộ huyện và Bộ đội Biên phòng báo cáo có mô hình “Hội đồng già làng”. Đó là một tổ chức khá đặc biệt, do Nhân dân bầu ra ở các xã sát với biên giới Campuchia. Hội đồng già làng đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương và là chỗ dựa tin cậy của các cấp ủy và chính quyền. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng quyết định bổ sung vào chương trình làm việc là tới thăm Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Pe tại xã Lộc Hòa. Đồng chí chăm chú lắng nghe Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Pe về cách thức vận động đồng bào Stiêng từ bỏ tập tục du canh, du cư để sống định canh, định cư và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài việc trồng tỉa các cây ngắn ngày bảo đảm nhu cầu cuộc sống, bà con dân tộc Stiêng ở đây đã trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, tiêu và cà phê.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói với chúng tôi “Đến với dân học được rất nhiều điều hay, cần phải phổ biến cho nhân dân ở nơi khác”.
Những kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Pe được đồng chí Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và sau đó mô hình “Hội đồng già làng” đã được nhân rộng ra nhiều địa phương.
Sự giản dị đến bất ngờ
Khác với những lần đi công tác nước ngoài và tiếp khách quốc tế, khi đến thăm bà con nhân dân, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường đi dép và mặc quần áo rất giản dị, nếu mùa hè là áo sơ mi ngắn tay, mùa đông là áo khoác đơn giản.
Có lần đi công tác ở Quảng Ngãi, đồng chí quyết định cả đoàn ra ga Hà Nội đi tàu hỏa. Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lên ngay chiếc xe ca, ngồi cùng với một số nhà báo đến huyện Tây Trà - huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong những huyện khó khăn nhất của Việt Nam.
Đồng bào các dân tộc trong huyện Tây Trà cứ ngỡ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi xe con, ào ra đón, không ngờ đồng chí lại bước xuống từ chiếc xe ca 24 chỗ ngồi. Không khí thân tình, thân mật và gần gũi giữa đồng chí Chủ tịch Quốc hội và bà con các dân tộc thiểu số huyện Tây Trà khiến một số người ngạc nhiên. Một cụ già ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Có phải ông tóc bạc kia là Chủ tịch Quốc hội?”.
Vào tháng 11 năm 2009, khi về dự ‘’Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc’’ của thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2009), cả đoàn chúng tôi đi bằng xe ca 45 chỗ ngồi. Bà con dân làng ra đón ngỡ ngàng bởi đồng chí Chủ tịch Quốc hội từ xe ca bước xuống. Thấy tôi mặc quân phục, một bác lớn tuổi mặc quân phục cũ kéo áo tôi rồi hỏi “Có phải bác tóc bạc kia là Chủ tịch Quốc hội không? Sao chẳng thấy bác ấy mặc com-lê, đeo cà-vạt”.
Không chỉ có chuyến đi đến huyện miền núi Tây Trà, huyện đồng bằng Ninh Giang mà rất nhiều chuyến đi cơ sở khác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ngồi xe ca cùng với cán bộ Văn phòng Quốc hội và các nhà báo. “Chẳng mấy khi được tâm sự cùng đồng nghiệp”- chúng tôi đã nhiều lần được nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói vui như thế trên những chiếc xe ca đi công tác. Thông thường đồng chí ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh cùng với một số đồng chí ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Trên xe, Chủ tịch Quốc hội “tranh thủ” khai thác thông tin từ các nhà báo mà đồng chí thường gọi là đồng nghiệp. Đồng chí luôn yêu cầu chúng tôi phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.
Trong chuyến đi Tây Bắc vào năm 2010 cùng với tổ biên soạn văn kiện Đại hội XI của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổ trưởng, đến trưa, cả đoàn dừng lại ăn cơm nắm muối vừng tại một vạt đồi ven đường. Khi thấy tôi loáng cái đã ăn xong “tiêu chuẩn” của mình, đồng chí nói với một đồng chí của Vụ Lễ Tân (Văn phòng Quốc hội): “Các chú còn dư gói cơm nào không, tăng cường thêm cho chú Thọ, thấy nó cứ chạy trước, chạy sau, mau đói lắm…”. Ngày hôm sau, để tiết kiệm thời gian, đồng chí yêu cầu mọi người ăn cơm ngay ở trên xe và tôi vẫn được ưu tiên thêm một suất cơm nắm muối vừng./.