Bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Ba Bể

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Vườn Quốc gia Ba Bể là khu vực đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái phong phú và nhiều loài động, thực vật quý hiếm, việc bảo tồn đa dạng sinh học được xem là nhiệm vụ cấp thiết. 

4324.jpg
Lực lượng Kiểm lâm sử dụng thiết bị số để quan sát, theo dõi diễn biến các khu vực rừng đặc dụng.

Vườn Quốc gia Ba Bể có độ che phủ rừng gần 80%, trong đó diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm tới 60% diện tích có rừng; trữ lượng rừng tự nhiên đạt 1,3 triệu mét khối. Đây là nơi dự trữ cacbon lớn của tỉnh Bắc Kạn, là nguồn thu lớn của tỉnh khi gia nhập thị trường carbon thế giới. Diện tích đất có rừng và giá trị đa dạng sinh học hiện có hoàn toàn đáp ứng các quy định về tiêu chí đối với rừng đặc dụng và Vườn quốc gia theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo số liệu thống kê của VQG Ba Bể, hiện nay Vườn có gần 400 loài động vật có xương sống. Thành phần loài đặc trưng cho khu hệ núi đá vôi, xen lẫn núi đất ngập nước ở Đông Bắc Bộ. Trong đó, có 88 loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Theo tiêu chuẩn Sách đỏ Việt Nam, hệ thực vật VQG Ba Bể có 34 loài quý, hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở tự nhiên cần được bảo vệ trong tổng số khoảng 1.200 loài thực vật ghi nhận được.

Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban quản lý VQG Ba Bể thông tin về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Thách thức đối với đa dạng sinh học ở VQG Ba Bể chủ yếu do con người tác động như: Khai thác tài nguyên rừng, khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã và khai thác khoáng sản trái phép. Người dân sinh sống ở vùng lõi, vùng đệm của Vườn mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây suy giảm diện tích rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên; tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây ra những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, gây thiên tai, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan làm tổn hại đến hệ sinh thái.

4314.jpg
Một số loài động vật quý, hiếm nguy cấp sau khi bị phát hiện, bắt giữ đã được thả lại tại Vườn. (Trong ảnh: Thả cá thể hổ mang chúa về môi trường tự nhiên).

Theo ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể: Trước những thách thức trên, thời gian qua Ban quản lý VQG Ba Bể đã rà soát diện tích, ranh giới vùng đệm trong, vùng đệm ngoài; xây dựng phương án quản lý bảo vệ và thực hiện các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm. Giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho học sinh và người dân về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; phát hành những tài liệu tuyên truyền do Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã (USAID) tài trợ. Hỗ trợ người dân địa phương thông qua các hoạt động sinh kế, du lịch sinh thái, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng.

Phối hợp thực hiện Đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái học làm cơ sở trong quản lý bảo tồn và phát triển loài cây quý, hiếm tại Vườn Quốc gia Ba Bể”; Đề tài nghiên cứu cấp Vườn, đến nay đã thực hiện khảo sát nghiên cứu vùng sinh trưởng, phát triển của loài nghiến tại Vườn Quốc gia; tiến hành gieo ươm giống cây nghiến tại vườn ươm để nghiên cứu, tiến hành làm vườn ươm và ươm cây con. Tham gia cùng một số đơn vị chức năng nghiên cứu khoa học về các loài cây có mạch bậc cao tại Vườn Quốc gia…

Cũng theo ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể: Ngoài các biện pháp đã nêu trên, đơn vị còn chú trọng nâng cao năng lực giám sát và quản lý của lực lượng kiểm lâm, tăng cường tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm. Lập quy hoạch bảo tồn chi tiết, xác định các khu vực trọng điểm cần bảo vệ, tạo hành lang sinh học kết nối các khu vực sinh thái quan trọng. Tổ chức các chương trình giáo dục môi trường cho người dân địa phương và du khách, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học./.

Xem thêm