Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và thu giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến cuối năm 2024. Theo Điều 79 của Luật, việc thực hiện này phải được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Theo quy định của Điều 75, Luật BVMT 2020, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Do đó, các hộ gia đình và cá nhân ở đô thị được yêu cầu chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại vào các bao bì để chuyển giao. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sẽ được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ hoặc thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tỉnh Bắc Kạn đang gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư đồng bộ thùng đựng rác phục vụ phân loại tại hộ dân (mỗi hộ 3 thùng khác nhau); sau khi người dân đã phân loại thì việc vận chuyển cũng cần có xe chuyên dụng vận chuyển với mỗi loại rác tương ứng. Cùng với đó là việc quy hoạch mặt bằng, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo đảm khi rác được thu gom về sẽ được xử lý theo nguồn rác, bảo đảm bảo vệ môi trường. Do vậy, việc triển khai phân loại rác tại nguồn cần phải có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ ngay trước thời điểm chính thức áp dụng. Hiện nay ngành Tài nguyên và Môi trường đang tích cực tham mưu cho cấp ủy, cấp trên chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện từng bước nhằm đồng bộ các khâu, sẵn sàng triển khai theo quy định.
Đối với người dân ở nông thôn cũng phải thực hiện phân loại rác sinh hoạt và được khuyến khích tận dụng chất thải thực phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là một bước quan trọng để xây dựng môi trường sống trong sạch và bền vững cho thế hệ tương lai. Các cơ quan quản lý, cùng cộng đồng dân cư được kêu gọi hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sự thành công của quá trình này và góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện có hiệu quả nội dung trên, các cấp ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trong việc phân loại rác, thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu.
Hiện nay, việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, xây dựng kế hoạch phân loại rác thải nhựa tạm thời phân công vai trò trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường. Các địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và ban hành các định mức và yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý, vệ sinh môi trường; xây dựng và ban hành hướng dẫn phân loại rác thải nhựa cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai thu phí theo lượng rác qua túi đựng rác; bố trí kinh phí triển khai một số chương trình thí điểm đối với các khu dân cư khác nhau để rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi.
Ngoài ra, với các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom vận chuyển, cần thống nhất với địa phương phương thức thu gom rác đã phân loại, địa điểm, tần suất... phương án xử lý rác thực phẩm, bảo đảm thống nhất, trên cơ sở các quy định của pháp luật./.