Chợ Đồn nhiều giải pháp thực hiện Chính quyền số

BBK - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, thời gian qua huyện Chợ Đồn đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng chính quyền số.
Chị Nông Thị Huệ, công chức Tài chính – Kế toán của xã Bình Trung (Chợ Đồn).

Chị Nông Thị Huệ, công chức Tài chính – Kế toán của xã Bình Trung (Chợ Đồn).

Nếu như trước đây khi thực hiện mọi thủ tục, giấy tờ thanh quyết toán, chị Nông Thị Huệ, công chức Tài chính – Kế toán của xã Bình Trung (Chợ Đồn) đều phải in ra, xin chữ ký của lãnh đạo và trực tiếp mang giấy tờ đi nộp tại các đơn vị liên quan như kho bạc, ngân hàng… thì nay mọi công việc đã trở nên thuận lợi hơn nhờ triển khai thực hiện chính quyền số.

Đến nay, huyện Chợ Đồn đã sử dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh triển khai; sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nội bộ như phần mềm kế toán, quản lý tài sản, quản lý cán bộ công chức, viên chức...

Hệ thống phần mềm VNPT - iOffice đã được triển khai liên thông đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của huyện đã hoàn toàn trên môi trường mạng, ký số đúng quy định đạt khoảng 95%. 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp thư điện tử công vụ; tỷ lệ sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ đạt trên 85%.

Huyện Chợ Đồn đã được cấp tổng số hơn 500 thiết bị lưu khóa bí mật. Đa số các cơ quan, đơn vị được triển khai đã sử dụng ổn định chữ ký số theo quy định, đúng quy trình.

Hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông hoạt động hiệu quả, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận 9.646 hồ sơ (trong đó có hơn 2.100 hồ sơ trực tuyến), đã giải quyết 9.181 hồ sơ.

Giải quyết thủ tục hành chính tại xã Đồng Thắng (Chợ Đồn).

Giải quyết thủ tục hành chính tại xã Đồng Thắng (Chợ Đồn).

Ngoài ra huyện phối hợp với Viễn thông Bắc Kạn triển khai thí điểm một số ứng dụng, phần mềm phục vụ hoạt động chuyển đổi số như hệ thống họp không giấy tờ, số hoá hồ sơ lưu trữ, hệ thống an sinh xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt, Chợ 4.0…

Huyện Chợ Đồn cũng đang xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ đồng. Khi đưa vào hoạt động, đây sẽ trở thành đầu mối chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của huyện thông qua việc thu thập, phân tích, chuẩn hóa dữ liệu; đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo huyện.

Thông qua việc kết nối và cung cấp các thông tin dữ liệu theo thời gian thực, được cá nhân hóa (từ thông tin về tình hình giao thông, trật tự đô thị, thông tin y tế, giáo dục,...), giúp người dân và doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định chính xác; tương tác với chính quyền và xã hội dễ dàng, thuận tiện thông qua các dịch vụ tích hợp, giúp cuộc sống của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được an toàn, hiệu quả hơn; chính quyền chủ động trong các hoạt động quản lý nhà nước, điều hành kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm…

Hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ rệt, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp, ngành được nâng lên. Tại cấp xã, bộ máy lãnh đạo đã quan tâm, chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Công chức cấp xã đã chủ động nghiên cứu, tham mưu tích cực hơn đối với hoạt động chuyển đối số. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; sử dụng các phần mềm dùng chung ngày càng thành thạo và tốt lên.

Việc gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp ở huyện Chợ Đồn. Qua đó, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của huyện để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp./.

Xem thêm