Cộng đồng trách nhiệm bảo vệ loài voọc đen má trắng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Cuối tháng 6/2023, lực lượng chức năng phát hiện loại voọc đen má trắng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Đây là tin vui, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm bảo vệ an toàn cho loài linh trưởng quý hiếm này phát triển an toàn, chung sống “hòa bình” với người dân trong Khu bảo tồn.
Người dân xã Văn Lang (Na Rì) chỉ khu vực cá thể voọc đen má trắng thường xuất hiện.

Người dân xã Văn Lang (Na Rì) chỉ khu vực cá thể voọc đen má trắng thường xuất hiện.

Hình ảnh cá thể voọc đen má trắng được ghi lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. (video do lực lượng chức năng cung cấp).

Chúng tôi có mặt tại thôn Nà Lẹng, xã Văn Lang (Na Rì), địa điểm người dân cho biết đã nhìn thấy cá thể voọc đen má trắng xuất hiện từ vài tháng trước. Đến đầu tháng 7, đôi khi chúng xuống tận đường giao thông và người dân đã ghi lại được hình ảnh.

Lần đầu tiên Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ xuất hiện cá thể voọc đen má trắng.

Lần đầu tiên Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ xuất hiện cá thể voọc đen má trắng.

Bà Mã Thị Xanh, thôn Nà Lẹng, xã Văn Lang cho biết: Con vật này xuống thôn lâu rồi nhưng không biết là voọc. Nó hay xuống gần khu dân cư uống nước, lúc cây ngô mới bằng gang tay. Nhiều người đi chợ thấy voọc nhưng không biết đây là loài vật quý hiếm.

Ông Mã Đình Nguyên, Trưởng thôn Nà Lẹng, xã Văn Lang chia sẻ về thời điểm voọc quý hiếm xuất hiện tại Khu bảo tồn.

Ông Mã Đình Nguyên, Trưởng thôn Nà Lẹng, xã Văn Lang xác nhận: Tháng trước, lúc người dân đang trồng ngô, con voọc xuất hiện trên vách núi xuống gần sát khu dân cư. Thời gian gần đây cá thể voọc xuống đường, đi theo xe, nhảy lên xe thậm chí cắn làm thương một người dân.

Voọc đen má trắng là loài động vật nằm trong số các loài rất quý hiếm tại Việt Nam và cần được bảo vệ trên thế giới. Loài voọc này có bộ lông màu đen tuyền, trên má có vệt lông màu trắng, đỉnh đầu có mào lông đen. Chúng sống trên những vách núi đá vôi ở độ cao không lớn, thức ăn chủ yếu là chồi non và lá cây. Trước đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được xác định là sinh cảnh sống của loài vật quý hiếm này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện và trực tiếp chứng kiến, ghi lại cận cảnh hình ảnh của chúng.

Để bảo vệ an toàn cho cá thể voọc mới phát hiện, đồng thời hạn chế nguy cơ voọc quấy phá và tấn công người, lực lượng chức năng đã tiến hành cắm biển cấm săn bắt động vật hoang dã tại thôn Nà Lẹng và một số địa điểm cá thể Voọc thường xuất hiện. Mục đích tuyên truyền người dân không được xua đuổi, cũng như có hành vi gây tổn hại đến cá thể voọc. Đồng thời chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm tra nhất là khu vực voọc xuất hiện; phối hợp với UBND các xã trong khu bảo tồn thực hiện các các biện pháp bảo vệ loài động vật quý hiếm này thông qua hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các thôn bản.

Ông Lê Xuân Diệu, phụ trách Ban Quản lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nói về các biện pháp bảo vệ cá thể voọc quý hiếm.

Ông Lê Xuân Diệu, Phụ trách Ban Quản lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: “Đơn vị đã có ý kiến đề nghị công an xã thăm nắm các đối tượng chuyên săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trên địa bàn để răn đe và tuyên truyền, giúp họ biết được đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố hình sự nếu săn bắn các loài nguy cấp quý hiếm. Để bảo vệ loài voọc quý hiếm này không chỉ có ngành chức năng mà cần cộng đồng trách nhiệm của chính quyền và người dân các địa phương trong Khu bảo tồn".

"Chúng tôi đã thông tin cho một số nhà khoa học và báo cáo UBND tỉnh để nhận được sự hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn, đánh giá cụ thể có bao nhiêu cá thể voọc tại khu bảo tồn, phạm vi sinh sống... từ đó có biện pháp bảo vệ và giúp phát triển số lượng”, ông Lê Xuân Diệu cho biết thêm. Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được xác định là sinh cảnh sống của nhiều loài động vật hoang dã. Tuy nhiên mức độ đa dạng về hệ động thực vật mới chỉ được đánh giá sơ bộ từ năm 2004, đến nay vẫn chưa có đánh giá chi tiết hay các dự án nghiên cứu tại đây. Ngoài loài voọc, lực lượng chức năng cũng vừa thu thập được dấu chân của loài gấu. Do đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ các viện nghiên cứu, nhà khoa học để tìm hiểu sâu hơn về hệ sinh thái tại đây./.

Xem thêm