Đại biểu Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông

BBK - Sáng 12/11, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

11.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với 03 nhóm vấn đề:

(1) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

(2) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng;

(3) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị Bộ trưởng cho biết, với phương châm hành động của Bộ là “đảm bảo điện tới đâu, viễn thông tới đó, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tuy nhiên, trong 761 thôn hiện nay chưa có sóng di động (số liệu đến tháng 9/2024) thì có đến 637 thôn đã có điện nhưng vẫn chưa có sóng. Vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề này như thế nào và đến bao giờ các thôn này sẽ được phủ sóng viễn thông?

211.jpg
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm, giải pháp của Bộ trong việc đảm bảo cho các thôn được phủ sóng di động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong số hơn 700 trạm thôn, bản lõm sóng, có khoảng 140-150 trạm chưa có điện, khoảng 100 trạm thuộc trách nhiệm phủ sóng của các nhà mạng do không thuộc vùng đặc biệt khó khăn, còn lại là các trạm thuộc trách nhiệm Quỹ viễn thông công ích đầu tư. Bộ trưởng cho biết, đối với những trạm không có điện, trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai giải pháp vệ tinh. Đối với những trạm thuộc trách nhiệm của các nhà mạng, Bộ đã đôn đốc các nhà mạng thực hiện và đề nghị hoàn thành phủ sóng trong năm 2024, chậm nhất là trong quý I/2025. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, theo mục tiêu của Bộ là đến tháng 6/2025 sẽ phủ sóng toàn bộ các vùng lõm sóng trên cả nước.

Cùng quan tâm đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng chưa đồng bộ trong xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện, nước, viễn thông hiện nay, dẫn đến tình trạng đào lên lấp xuống, việc ai nấy làm, gây lãng phí và ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân.

1211.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đồng bộ trong xây dựng hạ tầng viễn thông

Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện việc ngầm hóa quy hoạch, có giao Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp với các ngành liên quan để lập kế hoạch, quy hoạch tránh việc “đào lên hạ xuống” và đã có sự chuyển biến nhất định, nhưng vẫn chưa đạt được mong muốn. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và xem lại Thông tư Bộ đã ban hành so với thực tiễn để sửa đổi cho phù hợp, tối ưu hóa việc ngầm hóa, giảm được chi phí, tránh bất tiện cho người dân./.

Xem thêm