Định hình văn hóa con người Việt Nam gắn với phát triển tỉnh Bắc Kạn

BBK - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc định hình văn hóa con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo vệ bản sắc dân tộc trước sự xâm nhập của các giá trị ngoại lai. Đối với Bắc Kạn - một địa phương giàu truyền thống văn hóa, việc xây dựng văn hóa con người không chỉ là bảo tồn di sản, mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bắc Kạn - Vùng đất của văn hóa đa sắc màu

Bắc Kạn là quê hương của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Mông,... với những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng. Người dân nơi đây nổi tiếng với tính cần cù, chịu khó, lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội cầu mùa, Lễ cấp sắc đã trở thành biểu tượng văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc và là niềm tự hào của con người Bắc Kạn.

img-5125.jpg
Truyền dạy, lan toả di sản văn hoá phi vật thể quốc gia múa bát của người Tày.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống cũng đang dần phai nhạt. Lối sống công nghiệp, sự xâm nhập của các giá trị văn hóa phương Tây đã khiến một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng xa rời các giá trị văn hóa cốt lõi. Những hình ảnh về lễ hội truyền thống ít người tham gia, hay sự thờ ơ với các di sản văn hóa địa phương là những thách thức đặt ra cho công tác bảo tồn văn hóa của tỉnh.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương

Trước thực trạng đó, Bắc Kạn đã có những chính sách và hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa. Trong những năm qua Đảng bộ tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Bắc Kạn đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của con người được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được chú trọng triển khai và thực hiện có hiệu quả; hoạt động văn học nghệ thuật từng bước phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được đầu tư, khai thác và phát huy có trọng tâm, trọng điểm; các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa; công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm chú trọng…

Cùng với việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô như "Qua những miền di sản Việt Bắc", "Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024", "Giải vô địch bóng chuyền U23 quốc gia 2024"... đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy và phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.

img-5126.jpg
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát lộc tại Hội xuân ATK Chợ Đồn 2024.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền với bảo tồn văn hóa bản địa. Các mô hình du lịch như homestay tại hồ Ba Bể, hay các tour trải nghiệm văn hóa dân tộc tại Chợ Đồn, Na Rì, đã thu hút đông đảo khách du lịch, giúp người dân có cơ hội giới thiệu văn hóa đặc sắc của mình, đồng thời tạo sinh kế bền vững.

Giải pháp định hình văn hóa con người Bắc Kạn trong thời đại mới

Để tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, Bắc Kạn cần chú trọng đến giáo dục văn hóa, đạo đức truyền thống trong trường học, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về quê hương, từ đó tự hào và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Ngoài ra, việc khuyến khích người dân tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống là cách hiệu quả để lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, giữ gìn những nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, thêu hoa văn...

Hiện Tỉnh uỷ Bắc Kạn đang xây dựng Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hoá con người Bắc Kạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Nghị quyết đã được xin ý kiến rộng rãi và tổ chức Hội thảo để nghe các ý kiến tham góp của các đại biểu.

Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm xây dựng văn hóa con người Bắc Kạn có đạo đức cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, có lối sống lành mạnh, văn minh; quan tâm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển văn hóa con người Bắc Kạn phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, phù hợp với thực tiễn và theo từng giai đoạn, là trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong toàn hệ thống chính trị. Đảm bảo phát triển toàn diện, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng văn hóa con người Bắc Kạn phát triển toàn diện, có nhân cách tốt đẹp…/.

Xem thêm