Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn khảo sát tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho hoạt động công đoàn

BBK - Sáng 16/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiến hành khảo sát, thu thập thông tin đối với Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Kạn. 

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn chủ trì buổi khảo sát; cùng dự có đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn và đại diện Công đoàn các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo tỉnh, một số công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, trong 10 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tuyên truyền thành lập mới 64 công đoàn cơ sở, kết nạp mới 4.372 đoàn viên. Toàn tỉnh có 673 công đoàn cơ sở, với tổng số 18.173 đoàn viên công đoàn. Hầu hết các công đoàn cơ sở sau khi được thành lập đi vào hoạt động đảm bảo theo quy định điều lệ, nhiều công đoàn cơ sở phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Đến nay, 100% doanh nghiệp nhà nước và 90% doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với người lao động tại 739 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham gia ý kiến phản biện xã hội các dự án, đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cấp, ngành. Tổ chức lấy ý kiến đoàn viên, CNVCLĐ tham gia xây dựng chính sách pháp luật. Tổ chức hội nghị cán bộ công chức viên chức, hội nghị người lao động...

Trong 10 năm, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn trong tỉnh đã kiểm tra, giám sát tại 896 lượt đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với đoàn viên, CNVCLĐ; thăm nắm, đốc thu bảo hiểm xã hội được 1.682 lượt đơn vị, doanh nghiệp.

Đại diện công đoàn một số doanh nghiệp phát biểu ý kiến.

Đại diện công đoàn một số doanh nghiệp phát biểu ý kiến.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công đoàn thời gian qua, như: Số biên chế được giao của Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, công đoàn ngành chưa phù hợp, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan. Bất cập trong quy định về hệ thống tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ công đoàn. Việc thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên còn khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp…

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá về các nội dung như: Quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam. Quy định về tổ chức bộ máy công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Các quy định của pháp luật công đoàn nhằm bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới… Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động tại các doanh nghiệp; quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn; về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn.

Đại diện công đoàn các đơn vị đánh giá những nội dung dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với Hiến pháp và Bộ Luật Lao động năm 2019, đặc biệt là có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động công đoàn.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu để đưa vào báo cáo tổng hợp khảo sát. Đồng thời đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh và hệ thống công đoàn trong toàn tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động để khẳng định, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn./.

Xem thêm