Hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Lượn Slương” của người Tày, huyện Chợ Mới

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Sáng 25/10, tại xã Yên Hân (Chợ Mới), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức Hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Lượn Slương” của người Tày.
Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Lượn Slương” của người Tày, huyện Chợ Mới. Thông qua hoạt động bảo tồn nhằm góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đặc biệt là phát huy giá trị của di sản thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Các tham luận đã làm rõ: Nguồn gốc, giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Lượn Slương”; thực trạng di sản văn hóa phi vật thể “Lượn Slương” ở địa phương hiện nay; đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Lượn Slương” gắn với phát triển du lịch...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Tiến phát biểu tại hội thảo.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Tiến phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hà Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu; có giải pháp phát huy hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể “Lượn Slương” của người Tày, huyện Chợ Mới.

Trích bản lượn cảm ơn.

Theo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn:

Truyền thuyết, nghệ thuật diễn xướng lượn Slương có từ thời Nùng Trí Cao. Giai thoại kể rằng: Mùa xuân năm 1041, sau khi Nùng Trí Cao vào triều yết kiến, được vua Thái Tông phong tước Thái Bảo, cho thêm 4 động và 1 châu để Trí Cao với mẹ là A Nùng tiếp tục cai quản. Trong niềm vui vừa thắng giặc cộng thêm được vua ban chức tước, Nùng Trí Cao mở tiệc mời thanh niên nam nữ trong vùng đến vui hát mừng trong nhiều ngày đêm trước hương án họ Nùng. Thể hiện tri ân tình yêu thương của vua Thái Tông, tinh thần đoàn kết đánh giặc và cuộc sống của người dân, Nùng Trí Cao đặt tên cho cuộc hát thâu đêm suốt sáng đó là lượn Slương (hát yêu thương), hát mừng sự yêu thương.

Thể loại diễn xướng lượn Slương của người Tày được hình thành và lưu truyền một cách tự nhiên trong dân gian, theo phương thức truyền khẩu, đặc biệt là ứng khẩu ra câu lượn tức thời, tùy theo không gian, thời gian diễn xướng, cha mẹ truyền cho con cháu, đời trước truyền cho đời sau. Theo dòng chảy của lịch sử, đến thời kỳ nhà Mạc lên định đô ở Cao Bằng, lượn Slương được quan quân nhà Mạc tiếp nhận và cải biên nâng cao, sân khấu hóa đưa vào phục vụ cho vua chúa trong triều đình.

Xem thêm