Kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ

Thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiểu chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân được nâng lên, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí qua các năm.

Thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiểu chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân được nâng lên, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí qua các năm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo TTATGT trên đường bộ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm  TTATGT đường bộ.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hằng năm, Ban ATGT tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thành viên, UBND và Ban ATGT các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chiến lược bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần nâng cao công tác đảm bảo TTATGT, kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Các cơ quan thành viên và Ban ATGT các huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình phối hợp, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, nhằm đảm bảo tình hình TTATGT ở địa phương luôn ổn định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được chú trọng, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức như thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, hội thi, sân khấu hóa; cắm biển tuyên truyền trên các tuyến đường trọng yếu... Qua đó, nhằm xây dựng ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng đối với pháp luật và công tác đảm bảo TTATGT; vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào giữ gìn TTATGT; trang bị những kiến thức, kỹ năng, quy định của pháp luật cho học sinh ở các bậc học, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, một số mô hình về bảo đảm TTATGT được phối hợp duy trì, phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả tích cực...

Hoạt động giao thông vận tải từng bước đi vào trật tự, ổn định, kỷ cương về giao thông được tăng cường, ý thức tự giác của người tham gia giao thông có chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT thường xuyên được tăng cường, giai đoạn 2012 - 2019, Công an các đơn vị, địa phương phát hiện 120.739 trường hợp vi phạm. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 726 ô tô, 12.024 xe mô tô; phạt tiền 115.516 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 6.485 trường hợp. Xảy ra 09 vụ, 12 đối tượng chống lại Cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, làm 03 cán bộ bị thương. Lực lượng Công an đã kịp thời ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng để điều tra, xử lý theo quy định.

Thanh tra ngành Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1.257 trường hợp, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 603 trường hợp, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách 2,8 tỷ đồng; phối hợp với các lực lượng chức năng cân kiểm tra 21.675 lượt phương tiện, qua đó phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1.888 trường hợp, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.047 trường hợp, xử phạt 5,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiểm tra phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 540 trường hợp về hành lang an toàn đường bộ, ra quyết định xử phạt 185 trường hợp, chuyển chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền 355 trường hợp. 

Về tình hình TNGT, từ năm 2012 đến 2019, toàn tỉnh xảy ra 637 vụ TNGT đường bộ, làm chết 221 người, bị thương 798 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng hơn 10,3 tỷ đồng. So sánh qua các năm, TNGT giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó, TNGT ít nghiêm trọng 109 vụ; nghiêm trọng 222 vụ; rất nghiêm trọng 24 vụ; đặc biệt nghiêm trọng 02 vụ. Theo thống kê, TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là các tuyến nội thành và đường liên thôn, liên xã; phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe máy, xe ô tô, đáng chú ý số vụ TNGT do phương tiện ô tô gây ra có xu hướng tăng. Số vụ TNGT đường bộ có tính chất nghiêm trọng trở lên tuy có xu hướng giảm, nhưng lại tăng về số người chết và số người bị thương. Điều đó chứng tỏ TNGT đường bộ có diễn biến phức tạp và cần đưa ra giải pháp kịp thời...

Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh Đặng Quang Hùng cho biết: Qua 8 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia đảm bảo TTATGT, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân không ngừng được nâng lên, TNGT giảm cả 3 tiêu chí qua các năm. Có được những kết quả đó, là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh; sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cơ quan thành viên và các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng lòng vào cuộc của Nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá về giao thông với mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5 – 10 % cả 03 tiêu chí. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Giai đoạn 2020 - 2030, Ban ATGT tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Hằng năm, phấn đấu giảm từ 5 - 10% về số vụ, số người chết và bị thương do TNGT; chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, tiếp tục thực hiện công tác đầu tư, kết nối giao thông nội bộ và trong khu vực; phấn đấu xóa bỏ 90% các điểm đen và các điểm tiềm ẩn gây TNGT; tăng cường năng lực cho lực lượng trực tiếp làm công tác đảm bảo TTATGT, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý TTATGT.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm huy động cả hệ thống chính trị tham gia trong công tác đảm bảo TTATGT; nâng cao chất lượng và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT bằng hình ảnh trực quan, sinh động phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tăng cường năng lực, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đối với các lực lượng chức năng; huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo các quy hoạch đã được phê duyệt.../.

Quý Đôn

Xem thêm