Gói bánh chưng gù đen tại thôn Nà Lịn, xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn. |
Đi chợ Tết
Chợ Tết trưng bày những mặt hàng mang hương vị Tết cổ truyền của dân tộc với cách bài trí đẹp mắt. Có người đi chợ để mua sắm, lại có người đi cốt chỉ để chơi. Đi chợ Tết trở thành một phần quan trọng trong văn hóa của người Việt nói chung cũng như bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói riêng mỗi độ Tết đến, xuân về.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có rất nhiều chợ, chợ huyện, chợ xã, chợ theo cụm xã, thường họp phiên theo buổi sáng, hoặc 5 ngày một lần. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, từ 23 tháng Chạp trở đi, các chợ này thường không họp theo phiên mà diễn ra cả ngày. Người ta bán dăm ba thứ có trong vườn hay kiếm được trên rừng như mớ rau, hoa chuối, lá dong, lạt để gói bánh chưng, con gà, con lợn... Người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả. Thứ họ trao nhau là niềm vui, sự ấm áp, chân thành. Chợ còn là nơi để những người đi xa vừa mới trở về gặp lại chòm xóm, hỏi thăm nhau những chuyện cũ, chuyện mới…
Chợ hoa ngày Tết từ lâu đã trở thành một trong những nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người đi chợ hoa không chỉ để chọn một cành đào, chậu mai mà còn là dịp tìm những phút giây thư thái trong tâm hồn, chụp những tấm hình lưu giữ kỷ niệm, hy vọng về một mùa xuân đầm ấm, hạnh phúc và cùng nhau chào đón năm mới an, khang, thịnh, vượng.
Ngày nay, tốc độ thành thị hoá và nhịp sống số cũng thay đổi nhiều lề thói cũ. Ngày thường chúng ta có thể đi chợ online, nhưng chợ Tết với những nếp sinh hoạt truyền thống vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Những nét quê, không gian văn hóa chợ Tết là mỹ tục trường tồn cùng thời gian.
Gói bánh chưng
Bánh chưng là vật phẩm không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình. Với đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn cũng vậy, món bánh chưng còn thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân vùng cao nơi đây.
Nếu như ở miền xuôi, người dân thường gói bánh chưng vuông thì bà con dân tộc ở Bắc Kạn lại có món bánh chưng dài (hay còn gọi là bánh chưng gù) đặc trưng. Nguyên liệu để làm bánh được người dân chọn lựa rất kỹ càng từ gạo, thịt, đỗ, lá dong đến lá làm xanh và lạt buộc.
Trước Tết khoảng 01 tháng, các bà, các mẹ đã bắt đầu chuẩn bị lá dong, lạt, chọn những hạt gạo nếp thơm ngon nhất, gạo bà con Bắc Kạn thường dùng để gói bánh chưng là các sản phẩm OCOP của tỉnh như Khẩu Nua Lếch, nếp Tài và một số loại nếp nương đặc hữu của người dân bản địa. Ở Bắc Kạn, ngoài bánh chưng xanh thì còn có bánh chưng đen của người Dao…
Ngày gói bánh chưng thật sự là ngày hội của mỗi gia đình. Nhiều nơi ở Bắc Kạn, đồng bào có phong tục đụng lợn Tết, vài gia đình cùng nhau mổ 1 con lợn, thịt lợn tươi ngon đó sẽ được bà con lấy làm nhân bánh chưng. Người gói bánh chủ yếu là các bà, các mẹ, trong lúc gói sẽ vừa truyền dạy cho con, cháu… Trong không khí ấm cúng, các thế hệ quây quần bên nhau, vừa gói bánh vừa cùng nhau chia sẻ chuyện vui, buồn năm cũ và dự định năm mới…
Trẩy hội xuân
Khởi đầu mùa xuân bằng những lễ hội là một trong những nét văn hóa cổ truyền được gìn giữ và phát huy ở Bắc Kạn. Giữa không gian hiền hòa của đất trời, những cành đào, mận, lê khoe sắc... bà con các dân tộc nô nức đi trẩy hội. Lễ hội đầu xuân ở Bắc Kạn có nhiều nhưng phải kể đến là Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội Xuống đồng) là một trong những lễ hội truyền thống của người Tày, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới; trong lễ hội có lễ tạ Thành hoàng, Thần nông, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc…
Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày mồng 4 đến ngày 25 tháng Giêng (âm lịch), tùy theo phong tục của từng địa phương mà tổ chức khác ngày nhau và thường kéo dài trong ba ngày. Ở Bắc Kạn có nhiều lễ hội như: Hội Lồng tồng Ba Bể, Hội xuân Hà Vị (Bạch Thông), Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông (Bạch Thông), Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân (Ngân Sơn), Lễ hội Lồng tồng bản Pjoo (xã Sơn Thành, Na Rì)… Ngoài ra còn có Lễ hội Mù Là, Hội xuân ATK Chợ Đồn...
Lễ hội truyền thống tại Bắc Kạn là nét sinh hoạt văn hóa lâu đời, có nội dung rất phong phú, lành mạnh và tốt đẹp. Lễ hội được tổ chức là dịp để mỗi con người và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giao hòa giữa người với thiên nhiên. Trẩy hội xuân sẽ giúp chúng ta thêm vui vẻ, hiểu thêm về phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần gìn giữ cho muôn đời sau. Trẩy hội xuân cũng sẽ giúp chúng ta bổ sung năng lượng để khởi động một năm mới với nhiều thắng lợi mới./.
Nông Vui