6/10 thôn ngập trong biển nước
Có mặt tại Nam Cường vào ngày 10/9, ngay từ đầu xã chúng tôi đã không thể di chuyển bằng ô tô, toàn bộ tuyến đường để vào trung tâm xã đã ngập trong biển nước, phương tiện di chuyển duy nhất là xuồng và bè mảng.
Theo thông tin nhanh từ chính quyền địa phương, toàn xã có 812 hộ với 3.541 khẩu, thì 215 hộ phải di dời, trong đó hiện 152 nhà tại 6/10 thôn đã bị ngập hoàn toàn, có những ngôi nhà đã chìm hẳn trong biển nước, hoặc chỉ còn nhìn thấy mái nhà… Một số thôn ở vùng cao tuy không ngập nhưng bị chia cắt hoàn toàn, việc tiếp cận các hộ dân trở nên khó khăn khi nước dâng cao, đường núi thì sạt lở.
Bà Lý Thị Thanh, thôn Cốc Lùng chia sẻ: Cánh đồng Nam Cường mùa mưa nào nước cũng dâng cao nhưng mọi năm chỉ ngập lúa, hoa màu, lâu lắm rồi mới thấy nước dâng cao như năm nay…
Nam Cường không đơn độc
Ngay khi tiếp nhận thông tin ngập lụt tại Nam Cường, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cộng đồng luôn hướng về Nam Cường. Trong ngày 09/9 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh đã tìm cách tiếp cận xã, nhưng do tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến xã Nam Cường có rất nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ nên đến chiều 10/9, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác mới có thể tiếp cận được xã Nam Cường.
Di chuyển bằng xuồng để tiếp cận các hộ dân nơi đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã ân cần hỏi thăm, động viên bà con, đồng chí nhấn mạnh: "Cấp ủy, chính quyền sẽ huy động mọi nguồn lực để giúp đỡ bà con trong giai đoạn khó khăn này. Không để một người dân nào thiếu thốn lương thực, nước uống hay chỗ ở an toàn." Việc lãnh đạo cao nhất của tỉnh có mặt kịp thời đã giúp bà con yên tâm hơn trong lúc đối mặt với mưa lũ.
Lãnh đạo huyện Chợ Đồn cũng đã có mặt tại xã từ sáng sớm để chỉ đạo công tác cứu trợ và ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra phức tạp. Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho hay: "Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng của huyện bao gồm công an, quân đội và các tổ chức xã hội, để đảm bảo an toàn cho bà con".
Ngoài sự hỗ trợ từ chính quyền và lực lượng chức năng, rất nhiều nhà hảo tâm đã đến với Nam Cường, mang theo nhu yếu phẩm như lương thực, nước sạch để giúp đỡ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này…
Dự báo sẽ mất ít nhất hơn 10 ngày để nước rút khỏi Nam Cường
Theo nhận định của bà con cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương với mực nước hiện tại, nếu trời không mưa thì Nam Cường vẫn cần một khoảng thời gian khá dài để đợi nước rút, ổn định cuộc sống của người dân. Bởi Nam Cường là vùng trũng, nơi thoát nước duy nhất của xã là hang Pác Chản, lưu lượng nước thoát chậm…
Để đối phó với tình hình ngập lụt kéo dài, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống trong thời gian chờ nước rút. Các khu vực cao như trường học, trạm y tế, UBND xã đã được tận dụng làm nơi trú ẩn tạm thời cho những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu yếu phẩm như lương thực, nước sạch, thuốc men đã được lực lượng chức năng và các nhà hảo tâm tiếp tục cung cấp, đảm bảo sinh hoạt cơ bản cho người dân. Tuy nhiên do thời gian ngập kéo dài nên việc đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho người dân cũng đang là bài toán đặt ra. Không có điện, thiếu nguồn nước sạch khiến người dân khó khăn trong việc chế biến thức ăn, do vậy các nhà hảo tâm khi ủng hộ cũng cần lưu ý trao đổi, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương về nhu cầu thực tế tại từng thời điểm để có sự chung tay, hỗ trợ kịp thời, đúng và trúng những nhu yếu phẩm, vật dụng bà con đang cần, giúp bà con nơi đây vượt qua giai đoạn khó khăn này...
Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, tại xã Nam Cường đang thiếu xuồng để lực lượng chức năng, các nhà hảo tâm vận chuyển nhu yếu phẩm cho bà con vùng bị cô lập.
Chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng quân đội, công an tiếp tục hỗ trợ người dân di dời tài sản, khắc phục thiệt hại và chuẩn bị các phương án khôi phục sau lũ. Bà con xã Nam Cường luôn vững tin vào sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các nhà hảo tâm, Nam Cường đang cô lập nhưng không đơn độc!./.