Diện mạo trung tâm Vân Tùng hôm nay. |
Xã Vân Tùng cách thành phố Bắc Kạn khoảng 60km về phía Bắc, nằm trên tuyến Quốc lộ 3 huyết mạch nối tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi. Xã có diện tích tự nhiên 51,10km2, dân số 1.140 hộ với 4.002 người thường trú tại địa phương. Trong đó khu trung tâm xã có 712 hộ với 2.492 nhân khẩu. Xã được chia thành 8 khu và thôn, gồm: Khu Phố, Khu 1, Khu 2, các thôn Bản Liềng, Bản Súng, Tân Ý 1, Tân Ý 2 và thôn Đèo Gió.
Để được công nhận và đủ điều kiện lên thị trấn, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Vân Tùng đã được tỉnh, huyện dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng. Đặc biệt từ năm 2013, xã được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V.
Để phát triển các mặt theo tiêu chí đề ra, xã tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Vân Tùng trở thành thị trấn vào năm 2023. Chú trọng công tác quản lý đất đai, tạo quỹ đất sạch, ưu tiên quỹ đất đầu tư các dự án, công trình tạo điểm nhấn đô thị. Đồng thời, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề; dần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, phát triển CN-TTCN, dịch vụ.
Đồng chí Chu Đức Huỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Vân Tùng chia sẻ: Trong quá trình phấn đấu trở thành thị trấn, xã gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, chất lượng hạ tầng viễn thông, điện, nước, đường sá ở mức thấp; cơ sở xí nghiệp, nhà máy lớn chưa hình thành. Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền xã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, thành viên phụ trách triển khai thực hiện.
Cơ cấu kinh tế của Vân Tùng chuyển dịch sang dịch vụ thương mại để tăng thu nhập. |
Triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển để đáp ứng các tiêu chí của thị trấn, Vân Tùng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với các loại cây có giá trị cao, cây công nghiệp ngắn ngày được địa phương quan tâm. Cơ cấu kinh tế trong xã có sự chuyển dịch tích cực, đến năm 2022, tỷ lệ hộ phi nông nghiệp chiếm 65%. Sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển ổn định. Công tác trồng rừng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Năm 2022, diện tích trồng rừng mới đạt 127,5ha, vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,6%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên được tăng cường.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch luôn được quan tâm. Số hộ dịch vụ thương mại năm 2022 có 31,27%. Tổng thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng phát triển cả về số lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Để xứng tầm là thị trấn trực thuộc huyện, cấp ủy, chính quyền và người dân Vân Tùng đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm như: Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển đô thị, tăng cường công nghiệp chế biến gỗ, nông sản, cây công nghiệp ngắn ngày, phát triển du lịch...
Đồng chí Chu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngân Sơn. |
Đồng chí Chu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngân Sơn chia sẻ: Vân Tùng từ một xã miền núi với điểm xuất phát thấp, đến nay đã từng bước vươn lên thành thị trấn, có những thay đổi ấn tượng so với hơn 10 năm trước đây.
Cùng với sự phát triển chung của huyện Ngân Sơn, nhiều mặt kinh tế - xã hội của Vân Tùng đã có những bước tiến mới. Tỷ lệ đói nghèo giảm, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, nhiều trục đường chính nội thị được mở rộng, các con đường vào thôn, khu được bê tông hóa. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng có bước tăng trưởng đáng kể. Lĩnh vực giáo dục, y tế được quan tâm, đầu tư. Đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội, đối tượng chính sách, người có công được quan tâm chăm lo kịp thời, đầy đủ…
Ngày 13/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 722/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Tin vui này như tiếp thêm sức bật mới cho một vùng đất miền núi giàu truyền thống cách mạng, là cơ sở để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Vân Tùng vươn lên phát triển bền vững./.