Quốc hội thảo luận về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Trong phiên họp sáng 09/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường.

Tại phiên họp, Quốc hội thảo luận về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 được Quốc hội quyết định là 28.636,7 tỷ đồng, trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8/2022 có 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 01 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt. Trong đó, 7 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại với tổng số đề xuất tăng là 226 tỷ đồng; 7 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 1.547,8 tỷ đồng.

Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2022, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho các địa phương tại Kỳ họp bất thường lần này, đồng thời nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn vay lại đến hết năm 2023

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn vay lại đến hết năm 2023

Đồng quan điểm về sự cấp thiết của việc điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2022 cho các địa phương, trước đó tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 07/01, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn đồng tình, nhất trí với phương án trình của Chính phủ và dự thảo nghị quyết, theo đó kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng dự toán vay năm 2022 của 7 địa phương với mức tăng thêm 226 tỷ đồng, trong đó đề nghị bổ sung kế hoạch vốn vay lại năm 2022 cho tỉnh Bắc Kạn với số tiền là 33,7 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu giải ngân các dự án của tỉnh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả thực sự của nguồn vốn đầu tư, đảm bảo hiệu quả thực sự của việc điều chỉnh bổ sung nguồn vốn lần này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội xem xét có quy định trong dự thảo nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn vay lại được bổ sung này và vốn ODA cấp phát tương ứng đến hết năm 2023. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến việc hằng năm cũng như theo định kỳ, kịp thời rà soát và xử lý các nội dung điều chỉnh dự toán để tránh tình trạng xử lý chậm và làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như làm giảm hiệu quả của việc sử dụng vốn.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược./.

Ái Vân

Xem thêm