Bắc Kạn: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 3.200 tỷ đồng

BBK - Ngày 09/01, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức phiên họp tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì phiên họp.

Trong năm 2023, chính quyền địa phương, Ban giảm nghèo các cấp của tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đã chú trọng, quan tâm đến hoạt động của NHCSXH, nắm bắt và triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác.

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 3.298 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng so với 31/12/2022, tốc độ tăng trưởng 17,58%. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.927,2 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương 309,4 tỷ đồng, hoàn thành 101,7% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Về sử dụng vốn, doanh số cho vay năm 2023 đạt 1.141,7 tỷ đồng, cho 18.621 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2023 đạt 3.292,2 tỷ đồng, tăng 494,6 tỷ đồng so với năm 2022.

Đồng chí Hà Sỹ Côn, Giám đốc NHCSXH tỉnh báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, nhiệm vụ năm 2024.

Đồng chí Hà Sỹ Côn, Giám đốc NHCSXH tỉnh báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, nhiệm vụ năm 2024.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn trong việc thực hiện công tác tín dụng chính sách, như công tác xét duyệt các đối tượng được thụ hưởng, quản lý nguồn vốn, một số hộ chậm trả nợ...

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp trong năm 2023. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban đại diện chủ động bám sát các các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh để kịp thời triển khai tới các địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.

Các địa phương phát huy vai trò trách nhiệm làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác rà soát, bình xét đối tượng cho vay, đôn đốc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao thu nhập và thoát nghèo./.

Xem thêm