Chỉ thị số 08-CT/TU đi vào cuộc sống

Ngày 02/7/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây huỷ hoại môi trường trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai, Chỉ thị đi vào cuộc sống đã tạo chuyển biến rõ nét, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, lâm sản trên địa bàn.

Ngày 02/7/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây huỷ hoại môi trường trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai, Chỉ thị đi vào cuộc sống đã tạo chuyển biến rõ nét, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, lâm sản trên địa bàn.

d
Lực lượng kiểm lâm cùng tổ tuần rừng địa phương triển khai kế hoạch bảo vệ rừng.

Chỉ đạo kịp thời

Những năm từ 2012 trở về trước, Bắc Kạn là “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận và quyết định ban hành Chỉ thị số 08 CT/TU. Đây có thể coi là lần đầu tiên, Tỉnh ủy có một chỉ thị riêng, chỉ đạo hết sức cụ thể về việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây huỷ hoại môi trường.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08 cấp tỉnh; chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 28/8/2012 để triển khai thực hiện chỉ thị trên địa bàn; Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 22/10/2012 về việc kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 08 tại các địa phương, đơn vị.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 03/10/2012 về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 11/10/2012 về thực hiện ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2123/2012/QĐ-UBND ngày 17/12/2012 về việc ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quản lý lâm sản, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh…

Để đưa tinh thần Chỉ thị 08 vào cuộc sống, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền Chỉ thị 08 và các văn bản liên quan được 2.936 cuộc, với 94.986 lượt người tham gia. Tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng với 99 thôn tại các khu vực rừng đặc dụng. Cơ quan chuyên môn đã tham mưu, phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định trong hoạt động khoáng sản cho cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành; công chức, viên chức ngành tài nguyên - môi trường và trên 80 lượt doanh nghiệp có hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Chấn chỉnh hiệu quả

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08 tỉnh đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện, thành ủy, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn. Trong đó, xác định vùng trọng điểm trước mắt là các khu rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc) và các khu rừng giáp ranh còn nhiều gỗ quý hiếm tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm rà soát, bố trí các trạm kiểm lâm tại các vị trí thuận tiện cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt tại các tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì, Ba Bể.

Lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 3.182 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (trung bình mỗi năm giảm khoảng 400 vụ so với khi chưa ban hành Chỉ thị 08). Trong đó, xử lý hành chính 3.102 vụ; khởi tố hình sự 80 vụ. Lâm sản tịch thu gỗ quy tròn các loại 2.499m3 (trong đó gỗ quý hiếm nhóm IIa là 432,09m3). Tịch thu 14 ô tô, 613 xe máy và nhiều công cụ vi phạm khác. Tổng số tiền phạt xử lý vi phạm hành chính và bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng.

Thực hiện quy chế về quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh, chính quyền các xã đã cấp giấy chứng nhận sử dụng cưa xăng cho 653/1.006 chiếc, đạt 64,91%; số cưa xăng được đưa về quản lý tập trung là 259/653 chiếc, đạt 39,6%. Việc quản lý chặt chẽ cưa xăng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ rừng tận gốc, từng bước ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, nhất là các loại gỗ quý hiếm trong các khu rừng đặc dụng.

Trong 5 năm, cấp tỉnh đã tổ chức 67 đợt kiểm tra đối với 160 lượt đơn vị, xử lý vi phạm hành chính 26 lượt tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. UBND tỉnh thu hồi 01 giấy phép khai thác vàng sa khoáng, 5 giấy phép khai thác cát sỏi, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, tước quyền sử dụng 3 giấy phép khai thác khoáng sản từ 3 - 6 tháng. Các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép được 785 đợt; thu giữ, tiêu hủy các máy móc chuyên dụng, đầu nổ trên 80 cái; xử phạt vi phạm hành chính 190 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước gần 8 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08 tỉnh đã chỉ đạo xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm về thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, khoáng sản gây thiệt hại tài nguyên, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quản lý lâm sản, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm, cơ quan chức năng đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với 44 cán bộ kiểm lâm (khiển trách 19, cảnh cáo 18, cách chức 5, buộc thôi việc 2).

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện

Nhìn nhận 5 năm thực hiện Chỉ thị 08, Tỉnh ủy đánh giá, bên cạnh những kết quả rõ rệt thì vẫn còn có những điều chưa được triển khai tốt. Đó là việc kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa quyết liệt, vẫn chủ yếu tập chung xử lý cán bộ chuyên môn. Tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái pháp luật tuy đã giảm đáng kể về số vụ, tính chất, mức độ vi phạm nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để và tiềm ẩn nguy cơ tái phát trở lại.

Công tác quản lý khai thác lâm sản chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng cấp phép sai thẩm quyền nhất là tại cấp xã, huyện; lợi dụng giấy phép để khai thác trái phép, hợp thức hóa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp để đưa vào chế biến, tiêu thụ. Việc thực hiện quản lý cưa xăng tập trung đạt thấp so với số lượng được cấp giấy chứng nhận sử dụng (259/653 chiếc). Nhiều chủ sở hữu cưa xăng sau khi sử dụng không nộp lại để quản lý tập trung hoặc không thực hiện đăng ký sử dụng với cơ quan chức năng.

Công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản hiệu quả chưa cao; qua thanh tra, kiểm tra chưa đề xuất được giải pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động khoáng sản, nhất là việc khai thác, vận chuyển khoáng sản, kê khai thuế của các doanh nghiệp. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản trong việc phát hiện và chấn chỉnh kịp thời đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai không đúng sản lượng theo quy định tại khoản 6, điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị 08 và các văn bản liên quan của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý khoáng sản, lâm sản. Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08 các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn hiệu quả, xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép ngay khi mới phát sinh tại cơ sở. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép theo Quy định số 01-QĐ/TU ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với các địa phương trong việc quản lý hoạt động khoáng sản, lâm sản. Triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 08 gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng quy hoạch đối với hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh không xác định được nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp, bền vững để sản xuất, chế biến. Thực hiện có hiệu quả quy chế quản lý cưa xăng tại các khu rừng đặc dụng, đặc biệt phải nghiên cứu đề xuất về chế tài xử lý (cấm cưa xăng trong vùng lõi rừng đặc dụng). Tập trung thực hiện tốt việc trồng và phát triển kinh tế rừng; khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp tục trồng rừng có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh./.

Tuấn Sơn

Xem thêm