Công tác cán bộ là mấu chốt tạo sự bứt phá cho Pác Nặm

BBK - Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Pác Nặm, phóng viên Báo Bắc Kạn đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Văn Du, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm (giai đoạn 2003 - 2007), về những khó khăn, thuận lợi thời kỳ đầu thành lập huyện.
Ông Nguyễn Văn Du, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Văn Du, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông chia sẻ đôi chút về huyện Pác Nặm thời điểm mới được thành lập?

Ông Nguyễn Văn Du: Huyện Pác Nặm được thành lập trên cơ sở tách từ ra huyện Ba Bể theo Nghị định số 56/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ với toàn bộ diện tích và dân số của 10 xã phía Bắc thuộc huyện Ba Bể. Ngày 19/8/2003 huyện Pác Nặm chính thức làm Lễ ra mắt và đi vào hoạt động. Tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi đó chỉ định điều động từ Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể làm Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm. Có thể nói, những ngày đầu thành lập, huyện Pác Nặm gặp nhiều khó khăn.

Người dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp mang tính tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, manh mún; chưa có mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao; đồng ruộng chỉ sản xuất được 01 vụ mùa... Do đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện thời điểm đó chiếm gần 73% dân số.

Cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu chưa được đầu tư, huyện chỉ có con đường 258B từ trung tâm huyện Ba Bể đến trung tâm huyện Pác Nặm là được rải nhựa, còn lại là đường đất, đường cấp phối nên việc đi lại, giao thương hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Trạm y tế, trường lớp học, điện lưới quốc gia, hệ thống nước sinh hoạt… chưa được đầu tư. Đội ngũ cán bộ của huyện từ huyện Ba Bể và một số nơi khác đến phần lớn ở trọ, thuê nhà dân để làm việc.

MỘT TRONG HAI ẢNH DO BBT LỰA CHỌN SỬ DỤNG.

MỘT TRONG HAI ẢNH DO BBT LỰA CHỌN SỬ DỤNG.

Phóng viên: Vậy đâu là những yếu tố thuận lợi giúp Pác Nặm có những bước tiến đầu tiên, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Du: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng người dân Pác Nặm rất thật thà chất phác, luôn tin tưởng và ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đùm bọc và chia sẻ với đội ngũ cán bộ nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều thuận lợi. Dù còn nghèo nhưng người dân sẵn lòng hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, xây dựng trụ sở, nơi làm việc và sẵn sàng giúp đỡ cả về vật chất cũng như ngày công để cùng cán bộ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy thời điểm đó đã xác định huyện Pác Nặm chỉ có thể đi lên bằng phát triển nông, lâm nghiệp thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật… Mọi vấn đề đặt ra đều được bàn bạc thống nhất cao và đoàn kết cùng chung tay thực hiện. Đến năm 2007, huyện bắt đầu hình thành được một số vùng chuyên canh cây trồng, nhiều diện tích ruộng 1 vụ đã chuyển sang làm 2 vụ, tổng đàn đại gia súc tăng, cơ bản đã ổn định được an ninh lương thực.

Phóng viên: Theo ông, huyện Pác Nặm cần làm gì để phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo?

Ông Nguyễn Văn Du: Thực tiễn cho thấy, công tác cán bộ là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển huyện Pác Nặm 20 năm qua. Đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có nhiệt huyết, có khát vọng vươn lên đã làm thay đổi bộ mặt chung của toàn huyện. Những cán bộ tâm huyết đi đến các thôn, bản vùng cao cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số theo cách cầm tay chỉ việc; hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động học sinh đi học… Qua đó đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Pác Nặm vẫn còn những cán bộ đang công tác từ thời điểm đó đến nay tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Họ là những tấm gương sáng rất đáng biểu dương và trân trọng, bởi những đóng góp thầm lặng góp phần xây dựng huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy qua các thời kỳ đã luôn đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sử dụng và triển khai có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án... nhờ đó huyện có được sự đổi thay lớn như ngày hôm nay.

Cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới huyện Pác Nặm cần tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, động viên, khích lệ… quan tâm nhiều hơn nữa đến cán bộ, đảng viên để có một đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có nhiệt huyết và có khát vọng vươn lên. Mạnh dạn giao nhiệm vụ và tạo điều kiện tốt nhất để phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lớp cán bộ trẻ hiện nay.

Đối với lĩnh vực kinh tế, Pác Nặm vẫn cần xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp; nâng tầm sản xuất thành hàng hóa có chất lượng, có tính cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để tạo tiền đề phát triển trong những năm tới./.

Xem thêm