Đất bền, cây khỏe nhờ nông nghiệp hữu cơ

BBK - “Đất khỏe - cây trồng khỏe” là nguyên tắc cơ bản trong trồng trọt, cũng là điều kiện để đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị kinh tế là định hướng mà ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang chú trọng.
Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ củ nghệ theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Xuân La (Pác Nặm).

Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ củ nghệ theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Xuân La (Pác Nặm).

Huyện Bạch Thông hằng năm đều thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với đơn vị cung ứng cấp gần 53,7 tấn phân bón cho các hộ dân tham gia mô hình áp dụng giống mới, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Vụ xuân năm 2023, 458 hộ dân tại các xã: Nguyên Phúc, Tân Tú, Mỹ Thanh, Quân Hà và thị trấn Phủ Thông đăng ký thực hiện mô hình với diện tích hơn 61ha. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% giống lúa Đại dương 1, phân bón, tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm.

Xu hướng sản xuất hữu cơ cũng đang được một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Bạch Thông hướng tới. Hiện có 4 HTX bước đầu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ như: HTX Đại Hà, HTX Thiên An sản xuất, chế biến nông sản; HTX Hương Ngàn sản xuất tinh dầu; HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang trồng nấm... Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật hữu cơ, sản phẩm của các HTX đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, OCOP.

Đất đai là nơi dễ bị tổn thương bởi việc sử dụng thái quá hóa chất phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Canh tác hữu cơ là dùng các phương pháp nông nghiệp để loại trừ sâu bệnh và cỏ dại mà không dùng hoặc hạn chế mức tối thiểu thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Quản lý đất canh tác theo hướng hữu cơ giúp nâng cao sức khỏe cây trồng, tăng nguồn dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường để phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong 02 năm (2021 – 2022), Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) và Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ củ dong riềng tại xã Quang Phong (Na Rì). 49 hộ dân được chia thành 03 nhóm sản xuất theo chuỗi giá trị dong riềng với diện tích gần 8ha, được hỗ trợ kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ lập hồ sơ quản lý nội bộ và chi phí giám sát, đánh giá chứng nhận sản phẩm hữu cơ...

Là hộ dân tham gia chuỗi giá trị, bà Nông Thị Bình, thôn Nà Buốc, xã Quang Phong cho biết: "Gia đình tôi trồng 3.000m2 dong riềng, đầu tư 15 bao phân hữu cơ Quế Lâm và 60 bao phân mục tự ủ từ bã dong riềng. Cây dong sinh trưởng tốt hơn những năm trước, đất tơi xốp, củ to, thuận lợi cho việc thu hoạch. Những năm tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện canh tác hữu cơ".

Theo các hộ dân, kinh phí đầu tư cho sản xuất dong riềng hữu cơ không cao hơn so với sản xuất thông thường. Cây dong riềng sinh trưởng, phát triển tốt, đất trồng tơi xốp, đảm bảo năng suất, chất lượng. Năng suất củ dong riềng đạt trung bình từ 60 – 70 tấn/ha, mỗi héc-ta cho thu nhập tăng thêm từ 12 – 14 triệu đồng.

Ủ phân hữu cơ để trồng dong riềng tại xã Quang Phong (Na Rì).

Ủ phân hữu cơ để trồng dong riềng tại xã Quang Phong (Na Rì).

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận, sản phẩm được dán nhãn hữu cơ. Tiêu biểu như: HTX Hương Ngàn (Bạch Thông) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ đối với vùng nguyên liệu sả chanh tại xã Kim Lư (Na Rì); 12,7ha chè Shan tuyết của HTX Nông nghiệp Thái Lạo ở xã Yên Cư (Chợ Mới) được cấp giấy chứng nhận sản phẩm trồng, chế biến đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ HTX Yến Dương (Ba Bể) canh tác bí xanh thơm và lúa nếp Tài theo quy trình sản xuất hữu cơ PGS...

Để “đánh thức” tiềm năng nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt và đến năm 2030 đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt; 80% sản phẩm OCOP liên quan đến trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm ưu tiên để phát triển sản xuất hữu cơ là các loại cây trồng thuộc danh mục nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh, gồm: Lúa, cây ăn quả (mơ, hồng không hạt), dong riềng, chè Shan tuyết, nghệ, hồi, quế, dược liệu.../.

Xem thêm