Tác động lan tỏa của đầu tư công
Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh ngày càng được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tập trung, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả.
Theo đánh giá của tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng qua các năm, nhưng tỷ lệ đóng góp của vốn đầu tư công đang giảm dần và tỷ lệ đóng góp của vốn ngoài ngân sách đang tăng lên. Điều đó thể hiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã và đang góp phần dẫn dắt, thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2020, vốn đầu tư công của tỉnh chiếm hơn 53% tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn, đến năm 2024, tỷ lệ này giảm còn trên 43%; vốn ngoài ngân sách tăng từ 45% năm 2020 lên hơn 48% năm 2024.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021-2024 bình quân ước đạt 5,7%/năm, cao hơn 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, dự ước khu vực xây dựng của tỉnh tăng trưởng bình quân 6,7%/năm. Quy mô nền kinh tế của tỉnh đến nay đạt hơn 18.700 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020 và tăng 2,4 lần so với 10 năm trước.
Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh được phát triển tương đối đồng bộ, với hơn 4.500km, 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã; hệ thống điện được đầu tư xây dựng cơ đáp ứng đủ nhu cầu trong sinh hoạt và sản xuất, với tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia ước đạt 98,5%; hệ thống thủy lợi, kênh mương được đầu tư đáp ứng trên 76% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; hạ tầng thông tin, truyền thông, phát thanh ngày càng hiện đại; hạ tầng văn hoá xã hội phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống, chất lượng văn hoá, tinh thần của Nhân dân.
Tạo đà cho tăng trưởng bền vững
Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là trên 2.300 tỷ đồng. Tổng sản phẩm GRDP theo giá so sánh trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.402 tỷ đồng, tăng trưởng 6,35%; năm 2024 là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của tỉnh trong 11 năm trở lại đây. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.483 tỷ đồng, tăng trưởng 4,1%; công nghiệp - xây dựng đạt 1.725 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6%; dịch vụ đạt 4.916 tỷ đồng, tăng trưởng 6,4%.
Dự kiến đến hết năm 2024, tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành đạt 18.704 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56,9 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế dự kiến: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 26,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng 17,7%; khu vực dịch vụ 52,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 2,9%.
Giải pháp đặt ra trong năm 2025
Năm 2025, là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án đầu tư công đang được đẩy nhanh thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, như: Dự án Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng, đường nội thị các huyện, thành phố; các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp… Các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và trong 5 năm tiếp theo 2026-2030.
Năm 2025, tỉnh đề ra một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công, đó là: Nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Tỉnh uỷ về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2025. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục triển khai thực hiện dự án, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn được giao; yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện cam kết về tiến độ giải ngân và thực hiện giải ngân theo cam kết.
Tổ chức các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo hướng chủ động, linh hoạt, công khai, minh bạch, đúng quy định. Các cấp, các ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc lập, thẩm định dự án và các thủ tục đầu tư khác; các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu thanh toán... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư với kết quả giải ngân của từng đơn vị./.