Đầu tư mở đường lâm nghiệp, hướng phát triển đột phá kinh tế nông nghiệp Bắc Kạn

BBK - Được Nhà nước đầu tư đường lâm nghiệp, người dân các địa phương rất phấn khởi, bởi những tuyến đường này phát huy tính đa dụng, vừa giúp việc đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ, tổ chức khai thác rừng trồng thuận lợi, vừa giúp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh hiệu quả.

f2d3219ea09d03c35a8c.jpg
Đường lâm nghiệp được đầu tư, mở ra tương lai phát triển cho kinh tế nông - lâm nghiệp của các địa phương.

Ông Hoàng Hữu Khiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa chia sẻ: Từ năm 2021, phường được đầu tư 06 tuyến đường lâm nghiệp, phục vụ cho 1.800ha rừng trồng. Để mở được những tuyến đường này, phường đã làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ dân về những lợi ích to lớn, lâu dài của các con đường cho kinh tế nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho dân sinh. Trước đây chưa có đường lâm nghiệp người dân trồng rừng thì khó bán, nuôi thủy sản thì không đủ sức đắp bờ, cải tạo đất trũng làm ruộng cũng khó vì sức người có hạn. Từ khi mở đường lâm nghiệp, giá trị cây lâm nghiệp đã tăng từ 20 đến 50%.

Lãnh đạo phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) đánh giá hiệu quả các tuyến đường lâm nghiệp.

Ông Nông Văn Ly ở tổ 6, phường Xuất Hóa cho hay: Từ khi mở đường vào tổ 6, gỗ rừng trồng không phải bán “quạ” như trước nữa mà bán theo mét khối. Nhà ông đã xây được ao nuôi cá ổn định, không lo vỡ bờ vì đã dùng máy cơ giới đắp đất chắc chắn. Trước đây khu đất vườn đồi này chưa có đường, không làm nhà tạm để phát triển kinh tế trang trại được. Nay có đường, gia đình ông nuôi cá và chăn thả hàng trăm con gà, cho thu nhập khá mỗi năm.

Không chỉ gia đình ông Ly, sau khi đường lâm nghiệp tại tổ 6 được mở, bà con trồng rừng, trồng chuối, cấy lúa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm rất thuận lợi, phong trào thi đua sản xuất ngày càng sôi động.

Có đường lâm nghiệp, gia đình ông Nông Văn Ly ở tổ 6, phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn có điều kiện phát triển kinh tế trang trại.

Chia sẻ về công tác đầu tư đường lâm nghiệp, ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết: Với hơn 100.000ha rừng trồng, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt mạnh nên việc vận chuyển cây giống, phân bón, đi lại chăm sóc, quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là khâu khai thác gỗ rừng trồng gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Người dân rất tốn kém chi phí thuê nhân công khai thác, vận chuyển mà công suất khai thác cũng không cao, gỗ dễ bị hư hại, dẫn đến giá trị kinh tế từ rừng trồng không cao.

ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh vai trò công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường lâm nghiệp.

Năm 2021, Bắc Kạn phê duyệt Dự án đường lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp có tổng chiều dài 445km. Năm 2023, Dự án được bổ sung nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh, theo đó, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 224,5 tỷ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 251 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài 499,5km.

AF2A0250.gif
Đường lâm nghiệp không chỉ để trồng và khai thác rừng mà người dân còn được hưởng lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết thêm: Tổng số tuyến đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và triển khai thi công được là 226/251 tuyến, với tổng chiều dài hơn 428,5km. Số hộ dân trực tiếp hiến đất và tài sản trên đất khoảng 4.300 hộ trên tổng số 7.700 hộ dân dự kiến hưởng lợi từ dự án. Trong đó, số tuyến đã thi công hoàn thành ở giai đoạn I của dự án là 119 tuyến, với tổng chiều dài hơn 237km, phần lớn đã bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng, một phần nhỏ đang hoàn thiện, khắc phục sạt trượt do mưa lũ; số tuyến đang được thi công là 107 tuyến, với tổng chiều dài hơn 191,3km.

Tổng diện tích rừng trồng trên toàn tỉnh có khoảng hơn 100.000ha, trong đó khoảng 50.000ha đến tuổi khai thác. Hiện nay các tuyến đường lâm nghiệp đã và đang triển khai xây dựng chỉ đáp ứng cho khoảng 24.855ha. Như vậy nhu cầu đầu tư thêm các tuyến đường lâm nghiệp là rất lớn, với khoảng 1.500km, trong đó nhu cầu cấp thiết để phục vụ diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác là khoảng 500km.

Việc mở rộng mạng lưới đường lâm nghiệp sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế rừng, làm giảm chi phí đầu tư sản xuất, khai thác, làm tăng giá trị kinh tế rừng trồng, khuyến khích phong trào trồng rừng phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống cho người dân. Đồng thời, đường lâm nghiệp cũng tạo nên mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, kết hợp với giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới./.

Xem thêm