"Lớp học kết nối": Giáo viên sáng tạo, học sinh hào hứng

BBK - Để nâng cao chất lượng giáo dục, bắt kịp với xu thế chung, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn khuyến khích các cơ sở giáo dục áp dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Sở vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến, đặc biệt là tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học, tăng cường hoạt động trải nghiệm, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học phù hợp nhằm phát huy năng lực người học.

z6091802315690-e16829b2461dd254541f27ccb847787d.jpg
Khởi động tiết học kết nối giữa Trường Tiểu học Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) với Trường Tiểu học Lương Châu (thành phố Sông Công, Thái Nguyên).

Tiết học kết nối đầy hứng khởi

Trường Tiểu học Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) vừa tổ chức Chương trình dạy học kết nối với Trường Tiểu học Lương Châu (thành phố Sông Công, Thái Nguyên). Bài học “Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long (tiết 1), thuộc môn Lịch sử diễn ra trong không khí sôi nổi, tràn đầy cảm hứng.

Học sinh rất hào hứng khi được tìm hiểu lịch sử qua các video ngắn khái quát về Triều Lý, những công trình kiến trúc tiêu biểu, những giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể đã tồn tại hơn 1.000 năm, bằng những hình ảnh trực quan sinh động.

z6091802316106-6d22917789534264f07e6929f9064033.jpg
Học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Sông Cầu rất hào hứng khi thấy hình ảnh các bạn Trường Tiểu học Lương Châu (thành phố Sông Công, Thái Nguyên) qua màn hình trực tuyến.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, học sinh hai trường không chỉ tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của việc định đô tại Thăng Long, một quyết định mang tính chiến lược văn hóa của Vua Lý Thái Tổ mà còn cùng nhau chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn.

Em Trần Hà Kỳ Anh, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Sông Cầu chia sẻ: "Em rất vui khi lần đầu tiên được nhìn thấy các bạn ở một ngôi trường của tỉnh khác, chúng em còn có thể trao đổi với nhau và trả lời các câu hỏi của giáo viên tỉnh khác”.

Là người trực tiếp đứng lớp trong tiết dạy học kết nối, thầy giáo Dương Đức Thọ cho biết: "Qua hệ thống câu hỏi vừa chi tiết, vừa bao quát đã giúp học sinh dễ dàng nhớ được những kiến thức lịch sử căn bản và hứng thú với môn Lịch sử qua những hình ảnh trực quan sinh động".

z6091802315090-91129f16cc4e6e3fab3b9519ba985510.jpg
Học sinh thích thú khi được nêu những hiểu biết của mình về một số công trình kiến trúc tiêu biểu dưới Triều Lý.

Từ các câu hỏi chi tiết về công trình kiến trúc Triều Lý như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu và chùa Một Cột... cũng được gợi mở để học sinh nêu những hiểu biết của mình về một trong những công trình đó. Đến “Chiếu dời đô” của Vua Lý Công Uẩn thông báo rộng rãi quyết định về việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La cho nhân dân biết. Quyết định này thể hiện tầm nhìn sáng suốt của vua Lý Thái Tổ, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Học sinh được tiếp cận, vẽ sơ đồ tư duy thể hiện một số nét chính về lịch sử Việt Nam dưới Triều Lý như đổi tên nước thành Đại Việt, ban hành hệ thống pháp luật, đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng Văn Miếu, tổ chức khoa thi đầu tiên, lập Quốc Tử Giám...

Kết nối tạo nền tảng kiến thức vững chắc, phát huy năng lực người học

Cô giáo Nông Thị Lê Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu bày tỏ: "Những khoảnh khắc học tập từ xa nhưng đầy gần gũi này không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức mà còn gắn kết tình bạn giữa học sinh hai trường, tạo cầu nối vững chắc, giúp các em tự tin và luôn sáng tạo, bày tỏ cảm nghĩ, chính kiến của mình trong từng môn học. Hình thức học tập này cũng hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Đây cũng là hình thức dạy học linh hoạt, tạo cơ hội để giáo viên được trải nghiệm và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đồng thời, mang lại cho người học sự hứng thú bởi sự mới mẻ trong hình thức và không gian học tập".

Hình thức dạy học này đã được nhiều trường trên toàn quốc triển khai, áp dụng trong những năm gần đây. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối trực tuyến tại nhiều điểm cầu khác nhau. Với hình thức này, trong một tiết học giáo viên có thể giảng dạy cho hàng trăm em học sinh, bao gồm cả lớp học trực tiếp và các lớp kết nối trực tuyến qua đường truyền internet.

“Lớp học kết nối” không chỉ rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, còn góp phần nâng cao năng lực giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy và học; mở ra nhiều cơ hội phát triển cho giáo viên. Đồng thời, giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học tập lẫn nhau. Khi thực hiện mô hình học sinh được tiếp cận với các giáo viên giỏi và những phương pháp giáo dục tiên tiến.

z6091802313874-5fd196ae79c6ef214b354ff07036ae55.jpg
Tiết học kết nối môn Lịch sử diễn ra trong không khí sôi nổi, tràn đầy cảm hứng.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy còn những khó khăn về đường truyền, các sự cố kỹ thuật hay việc thiếu sự tương tác trực tiếp với học sinh học trực tuyến đòi hỏi phải có phần mềm, trang, thiết bị cần thiết để kết nối.

Mặt khác, đối với tỉnh Bắc Kạn, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn còn chiếm tỷ lệ cao; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầu tư cho giáo dục đặc biệt công nghệ số còn nhiều hạn chế nên việc áp dụng các hình thức dạy học mới như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT là một thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn.

Đối với học sinh, việc chuyển đổi từ hình thức học tập truyền thống sang mô hình kết nối cũng hết sức khó khăn, đòi hỏi có một quá trình triển khai, thực hiện. Có thể thấy việc dạy học kết nối là một xu hướng trong giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, phương pháp này cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giáo viên và học sinh./.

Xem thêm