Bà Hương (ngồi bên trái) tại cuộc họp giao ban về công tác dân số tại Trạm Y tế xã Tân Sơn. |
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, chế độ phụ cấp không nhiều, nhân viên y tế thôn kiêm cộng tác viên DS-KHHGĐ làm việc chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, sự say mê và trách nhiệm. Có người gắn bó với công việc này đã hàng chục năm, thậm chí hơn 20 năm. Làm lâu nên họ nắm rất chắc tình hình biến động dân số trên địa bàn thôn, bản”, chị Lê Thị Hà, viên chức phụ trách chương trình DS-KHHGĐ, Trạm Y tế xã Tân Sơn (Chợ Mới), nói về những nhân viên y tế thôn kiêm cộng tác viên dân số ở địa phương.
Đúng như lời chia sẻ của chị Lê Thị Hà, tại xã Tân Sơn, chúng tôi cảm nhận được, những nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên DS-KHHGĐ vô cùng nhiệt huyết. Họ luôn nắm chắc những trường hợp có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên hoặc những cặp vợ chồng không dùng các biện pháp tránh thai hiện đại. Bà Lý Thị Hương, sinh năm 1967, dân tộc Dao, nhân viên y tế thôn bản, kiêm cộng tác viên dân số thôn Phja Rả, xã Tân Sơn (Chợ Mới) chia sẻ: “Tôi đã làm công tác này gần 24 năm, nên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nơi đây đã quen thuộc với tôi và không ngại khi chia sẻ những chuyện tế nhị, thầm kín của gia đình. Họ thường ở nhà vào buổi tối. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để tôi đi vận động. Không biết đi xe máy, nên tôi toàn phải đi bộ để đến gõ cửa từng nhà. Trong những lần đi vận động, ngoài chị em phụ nữ, tôi cũng tranh thủ trò chuyện thêm với chồng của họ, thuyết phục nhiều lần để tạo niềm tin nhằm chuyển biến nhận thức của cả vợ lẫn chồng. Bên cạnh đó, tôi tranh thủ lồng ghép tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ vào các buổi họp thôn, buổi họp chi hội phụ nữ... Các thông tin liên quan như số hộ, số nhân khẩu, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai... là rất cần thiết, vì thế tôi luôn mang theo sổ ghi chép đầy đủ để tổng hợp, có cơ sở báo cáo theo định kỳ...”.
Thôn Phja Rả cách trung tâm xã Tân Sơn chừng gần 10km, thôn chưa có đường ô tô đến trung tâm, chưa có điện lưới quốc gia. Hiện thôn có 21 hộ dân với 86 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Mặc dù còn nhiều khó khăn; 100% hộ thuộc hộ nghèo, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động của nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên DS-KHHGĐ, nhiều năm thôn Phya Rả không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; 100% vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Còn bà Bàn Thị Luyến, 63 tuổi, ở thôn Khuổi Đeng 2, xã Tân Sơn (Chợ Mới) cũng đã gắn bó với công tác này nhiều năm nay. Vừa là nhân viên y tế thôn kiêm cộng tác viên dân số của thôn, gánh nhiều trách nhiệm cùng một lúc, nhưng bà không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ.
Bà Luyến cho biết: “Công việc khá nhiều, nhưng tôi đặt trách nhiệm lên hàng đầu, sắp xếp thời gian một cách hợp lý để hoàn thành từng nội dung công việc. Tôi luôn bám sát địa bàn, thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà để bảo đảm hiệu quả việc tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ tới người dân”… Nhờ sự cần mẫn, trách nhiệm của bà Luyến, người dân trên địa bàn đều hiểu rất rõ, nắm chắc các chính sách, pháp luật về công tác DS-KHHGĐ. Đến nay thôn không còn xảy ra tình trạng sinh con thứ 3. Các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… cũng được bà tuyên truyền hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.
Bà Luyến tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách về DS-KHHGĐ. |
Nhiệt tình với công việc, anh Dương Văn Xính, dân tộc Mông, ở thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) luôn được nhiều người dân yêu mến, tin tưởng. Anh Xính chia sẻ: “Thời gian qua, cùng với thực hiện các chương trình mục tiêu y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh, tôi tích cực tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, chính sách về DS-KHHGĐ trên địa bàn. Đối tượng tuyên truyền là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Là đàn ông, nên lúc đầu tiếp cận với công việc này ông cũng rất ngại. Thế nhưng, sau một thời gian gắn bó, tôi đã dần xóa bỏ được những rụt rè, tâm lý ngại ngùng khi gặp gỡ các chị em nói về câu chuyện sử dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch”.
Hiện, anh Xính đang được giao tuyên truyền, vận động 75 hộ ở thôn Nà Bản thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, trong đó, có 99% hộ là người dân tộc Mông.
Anh Xính đến hộ gia đình tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt chính sách dân số. |
Không chỉ bà Hương, bà Luyến, anh Xính, tại các thôn, bản vùng cao của tỉnh còn rất nhiều nhân viên y tế thôn kiêm cộng tác viên DS-KHHGĐ đang vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hằng ngày, hằng giờ đến các hộ gia đình vận động sinh đẻ có kế hoạch, nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để người dân ổn định cuộc sống, vững vàng kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn.
Theo Chi cục Dân số-KHHGĐ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.300 nhân viên y tế thôn kiêm cộng tác viên DS-KHHGĐ hoạt động tại thôn, tổ phố. Với sự cố gắng, trách nhiệm, họ là lực lượng nòng cốt, ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế, dân số./.
Lý Dũng