Đoàn ĐBQH Bắc Kạn thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc

Sáng 08/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại tổ số 16 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên.

Sáng 08/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại tổ số 16 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Duy Chinh- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc để khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động kiến trúc và quản lý nhà nước về kiến trúc thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự án Luật quy định về nguyên tắc hoạt động kiến trúc còn đơn giản, chưa bao quát được những yêu cầu nền tảng của kiến trúc như: Tính khoa học, tính thời đại, truyền thống, đa dạng và thống nhất của không gian kiến trúc, sự hài hòa về văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, sự phát triển của không gian kiến trúc, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung vào dự án Luật.

 

Đại biểu Phương Thị Thanh- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Đại biểu Phương Thị Thanh cho rằng, dự án Luật mới chủ yếu tập trung vào quản lý nhà nước về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc mà chưa thấy được nội dung quy định về bản sắc kiến trúc như thế nào; mối quan hệ giữa quy hoạch – kiến trúc – xây dựng trong dự thảo Luật còn rất mờ nhạt. Nêu ví dụ việc xây dựng nông thôn mới vừa qua mới chỉ tập trung vào xây dựng các công trình giao thông, trường học... Đại biểu đặt câu hỏi: Bản sắc kiến trúc của nông thôn mới là gì?. Bản sắc kiến trúc của đô thị, của vùng đồng bằng bắc bộ, vùng núi, miền trung du... là gì?. Khi quy hoạch tổng thể, chúng ta có tính đến các yếu tố văn hóa truyền thống của vùng, miền ấy hay không?. Những vấn đề này vẫn chưa được làm rõ trong dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách của Nhà nước về kiến trúc, bảo đảm phát triển hoạt động kiến trúc vừa hiện đại vừa giữ được bản sắc truyền thống. Đối với chứng chỉ năng lực hành nghề kiến trúc, đề nghị cần phải có một lớp đào tạo, bồi dưỡng mới được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc./.

Thu Thương (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Xem thêm