Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Lấy ý kiến góp ý xây dựng luật

Sáng 18/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Sáng 18/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng luật.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời đóng góp các ý kiến bổ sung, hoàn thiện 2 dự thảo luật nói trên. Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, nội dung tổ chức giám định tư pháp công lập – Điều 12 (Khoản 8, Điều 1 dự thảo luật) còn có ý kiến băn khoăn. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng cần bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” vào Khoản 4. Bởi việc bổ sung chức năng này sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan trong giám định tư pháp, về cơ bản việc bổ sung chức năng này không làm tăng biên chế của ngành. Trong khi đó, ý kiến của ngành Công an là giữ nguyên quy định theo Điều 12 như luật hiện hành, bởi việc bổ sung chức năng này cho Viện Kiểm sát sẽ làm phát sinh thêm nhân lực, máy móc, phương tiện, chi phí…

Một số nội dung khác như: Việc từ chối của Giám định viên tư pháp; bổ sung quy định có Đội pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; căn cứ nào và cơ quan thẩm quyền nào có quyền xác định giám định tư pháp không chính xác và được giám định tư pháp lại bao nhiêu lần… cũng được các đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến.

Đối với dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm điều kiện để bổ nhiệm Hòa giải viên đối với những người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư thêm yêu cầu là “có hiểu biết pháp luật”. Về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên quy định tại Khoản 2, Điều 11 của dự thảo luật cần bổ sung thêm đối tượng là người có hiểu biết về phòng tục, tập quán, người có uy tín trong cộng đồng dân cư phải có “văn bản nhận xét của thôn, bản, tổ phố và có xác nhận của UBND cấp xã về việc chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế, hương ước của địa phương, đơn vị”. Về nhiệm kỳ của Hòa giải viên có ý kiến quy định là 3 năm nhưng cũng có ý kiến nên quy định là 5 năm để bảo đảm tính ổn định, khả năng học tập, tích lũy kinh nghiệm trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần có thêm quy định về cơ cấu, số lượng hòa giải viên ở Tòa án các cấp để tránh việc bổ nhiệm hòa giải viên tràn lan, không hiệu quả; đưa trợ giúp viên pháp lý có năng lực vào đội ngũ Hòa giải viên …

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu, tổng hợp để gửi cấp có thẩm quyền xem xét./.


Xuân Nghiệp

Xem thêm