Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác- đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc

BBK - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được biết đến không chỉ là một đại danh y nổi tiếng trong lịch sử y học Việt Nam mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.

Những di sản mà ông để lại là nền tảng quan trọng để phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, mở ra những cơ hội mới có hiệu quả trong công tác điều trị, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

t10-1.jpg
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Tư liệu

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn (1724) tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm quan to dưới thời Hậu Lê; ông là con út trong gia đình có bảy người con của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thường. Mất vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791); sau khi qua đời, các bài thuốc và sách của ông đều được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; các di sản y học, văn học, y đức của ông được nhiều thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu đánh giá cao và học tập, noi theo.

Lê Hữu Trác đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và phát triển y học cổ truyền Việt Nam. Ông là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông. Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân. Theo ông, một người thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, nhấn mạnh người thầy thuốc cần phải đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả chứ không phải là một nghề nghiệp chỉ để kiếm sống. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.

Tác phẩm quan trọng nhất của ông là “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là một bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền với 28 tập với 66 quyển, được coi là di sản lớn nhất về y học cổ truyền của Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình mang tính học thuật, giúp chuẩn hóa y học cổ truyền Việt Nam, mà còn là một tài liệu tham khảo vô giá về phương pháp chữa bệnh và phòng bệnh. Bộ sách không chỉ mô tả kỹ lưỡng các bệnh lý, phương pháp chẩn đoán và điều trị mà còn chứa đựng những nguyên tắc y đức và triết lý nhân sinh sâu sắc; được xem như kim chỉ nam cho các thế hệ thầy thuốc không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia có truyền thống y học cổ truyền trên thế giới.

Ngoài những cống hiến lớn lao trong y học, Lê Hữu Trác có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ông đã viết nhiều tác phẩm về văn hóa, xã hội và lịch sử. “Thượng kinh ký sự”, không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại cuộc hành trình của ông từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho hoàng gia mà còn là bức tranh sống động về xã hội, con người và văn hóa thời bấy giờ. Tác phẩm này đã góp phần mô tả những giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cuối thời Lê-Trịnh.

Lê Hữu Trác cũng đóng góp vào việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ y học cổ truyền bằng ngôn ngữ của người Việt Nam, giúp phổ biến kiến thức y học đến với người dân rộng rãi hơn. Thay vì chỉ sử dụng các thuật ngữ y học cổ bằng tiếng Hán như nhiều thầy thuốc thời bấy giờ, ông đã sáng tạo nhiều thuật ngữ y học mới, dễ hiểu và phù hợp với người dân. Điều này không chỉ giúp y học cổ truyền phát triển mà còn làm giàu thêm ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Những giá trị mà ông để lại không chỉ giới hạn trong biên giới Việt Nam mà còn có ý nghĩa toàn cầu, do vậy UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới. Việc UNESCO vinh danh ông là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp vượt bậc của ông trong cả lĩnh vực y học và văn hóa. Đây không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với một con người đã cống hiến trọn đời cho sự phát triển của y học, văn hóa và nhân loại. Trong bối cảnh y học hiện đại, mặc dù công nghệ và khoa học đã có những bước phát triển vượt bậc, những giá trị mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhấn mạnh vẫn còn nguyên vẹn. Đạo đức y học, tinh thần trách nhiệm với người bệnh và lòng nhân từ của người thầy thuốc vẫn là những phẩm chất quan trọng nhất, giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và người bệnh. Chính vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vẫn là nguồn cảm hứng và tấm gương lớn cho các thế hệ thầy thuốc và học giả trong và ngoài nước.

Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là dịp để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân đối với một danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh với người bệnh. Ông là người dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo./.

Xem thêm