LỄ HỘI LỒNG TỒNG XÃ BẰNG VÂN

BBK -  Tác phẩm đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.

Mỗi độ xuân sang, ai cũng mong một năm sung túc, đủ đầy hơn năm cũ. Vì lẽ đó lễ hội thường được tổ chức mỗi dịp tết đến, xuân về. Việc tổ chức lễ hội đầu năm có ý nghĩa quan trọng trong văn hoá tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Lễ hội đầu năm thường được tổ chức để đón chào năm mới, đánh dấu sự khép lại và bắt đầu một chu kỳ mới. Đây là dịp để mọi người sum vầy, thăm bạn bè, gặp gỡ người thân và tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với các vị thần linh…

Thiếu nữ vùng cao Minh hoạ: Quang Duy
Thiếu nữ vùng cao
Minh hoạ: Quang Duy

Cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân trong vùng Bằng Khẩu (Bằng Vân) lại náo nức tổ chức lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) với mong muốn tạ ơn tổ tiên, các vị thần linh, cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu…

Lễ hội đã có từ rất lâu mà không ai nhớ thời gian cụ thể, chỉ biết rằng ngày hội Lồng Tồng xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn được gắn với một miếu thờ rất thiêng, theo lời các cụ kể lại: Thuở xưa, đất nước rơi vào cảnh loạn lạc vì bị giặc chiếm đóng, để dẹp giặc nhà vua đã cử một viên tướng đến vùng đất này trấn ải và đánh đuổi quân giặc. Viên tướng đi đến đâu quân giặc tan đến đó, có được chiến thắng như vậy là bởi vì bên cạnh ông luôn có một người vợ rất giỏi tài cầm quân, thao lược giúp ông đánh trận cả trong lúc khó khăn nhất.

Một ngày nọ, trên đường đánh trận vì mải mê đuổi giặc ông vô tình lọt vào ổ phục kích của chúng ở núi Phja Đén. Phía sau ông, người vợ lại lo cầm quân giữ chân giặc ở núi Phja Công. Thà chết chứ không để rơi vào tay giặc, ông đành bịt mắt ngựa nhảy xuống núi Phja Đén tự vẫn. Khi nghe chồng tử trận tại Phja Đén, người vợ cũng đành trút hận, tự vẫn tại núi Phja Công. Dân trong vùng cảm thương cho số phận của hai người nên lập miếu thờ chung cho họ ở trên núi Phja Đén. Nhưng do bà mất ở Phja Công, nên mỗi khi cầu cúng tại miếu, người dân phải đi gánh nước từ núi Phja Công về miếu thờ ở núi Phja Đén thì việc cầu cúng mới linh nghiệm.

Sau này, do việc đi lại cầu cúng vất vả quá nên người dân trong vùng mới làm lễ cúng, cầu xin quan tướng độ trì cho phép lập đàn miếu ở nơi thuận tiện hơn để cho con cháu tiện đi lại hương khói, coi sóc đền miếu. Cầu xong, trời bỗng nhiên nổi giông gió, mưa bão ầm ầm. Sớm hôm sau, mọi người ra xem thì không thấy ngôi miếu còn ở vị trí cũ nữa. Trên đường trở về, người dân nhìn thấy các gắp gianh đã được giông gió đưa đến những vị trí mới. Gắp thứ nhất rơi xuống chân ngọn núi đá thuộc thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân; gắp thứ hai rơi xuống thôn Bản Slành, xã Thượng Ân; gắp thứ ba rơi xuống thôn Bản Duồi, xã Đức Vân. Dựa theo lời mách bảo của thần linh, người dân nơi này lập nên 03 ngôi miếu để thờ vợ chồng viên tướng đã có công đánh trận, dẹp giặc khi xưa.

Kể từ ngày lập miếu thờ, hàng năm cứ đến khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 thì người dân nơi đây sẽ tổ chức lễ hội cầu mùa tại 03 ngôi miếu trên. Theo lời kể của các cụ tại miếu thờ ở thôn Bản Duồi, xã Đức Vân trước khi tổ chức bao giờ cũng có một con trâu trắng tự về nằm trước miếu để người dân giết thịt, hiến tế thần linh. Năm đó, không hiểu do thần linh thử lòng hay quở trách nên không có con trâu trắng nào về. Thay vào đó là một con trâu đen. Thấy vậy, dân làng hò nhau nhuộm bùn để trâu đen hoá thành trâu trắng rồi giết thịt và hiến tế. Sau năm ấy, thời tiết vùng Đức Vân dường như trở nên khô hạn hơn so với vùng đất khác. Cũng từ đó, hàng năm, khi tổ chức lễ hội cầu mưa, trâu không tự về nữa. Muốn có đồ hiến tế, người dân phải tự góp tiền để mua trâu về thịt và cúng thần linh.

Miếu thờ tại thôn Cốc Lải nằm ngay chân núi đá của thôn, năm 1939 được người dân xây dựng bằng những tảng đá ở ngay chân núi nhưng đến năm 1963, theo chủ trương của nhà nước chống mê tín dị đoan nên đã bị phá bỏ. Miếu thờ tại thôn Bản Slành, thôn Bản Duồi từ đó cũng bị bỏ hoang và không thờ cúng nữa. Hiện nay, ngôi miếu tại thôn Bản Slành, xã Thượng Ân vẫn còn dấu tích, được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, rất chắc chắn điều đó chứng tỏ người dân nơi đây đã rất trân trọng ngôi miếu.

Năm 2015 nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cũng như vùng miền, được sự quan tâm của Đảng, của chính quyền miếu thờ tại thôn Cốc Lải được xây dựng khang trang lại, khôi phục lại nguồn gốc cũng như khâu tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình mới mà không mất đi nguồn gốc ban đầu của lễ hội.

Lễ hội Lồng Tồng xã Bằng Vân được tổ chức vào ngày 15 (âm lịch) tháng Giêng hằng năm, lễ hội gồm 02 phần: Phần lễ và phần hội.

Phần lễ: Được diễn ra tại khu vực miếu thờ thuộc thôn Cốc Lải; phần hội: ngày trước được diễn ra tại thửa ruộng lớn nhất của cánh đồng thôn Cốc Lải. Nhưng vài năm trở lại đây do chế độ canh tác của người dân khu vực này nên chính quyền địa phương đã tổ chức phần hội ở địa điểm thuận lợi hơn, rộng rãi hơn để thu hút đông người tham gia.

Sáng sớm ngày rằm tháng Giêng, khi tất cả dân làng trong vùng và các vùng lân cận đã đến tấp nập thì cũng là lúc ông cụ coi miếu và đại diện các thôn bản mang mâm cỗ đến để thờ cúng, khấn vái, trình báo với thần linh. Thắp hương, khấn vái xong ông cụ coi miếu phải xin phép thần linh để con cháu dòng họ Chu mang chiếc ống cắm hương và cái trống ra địa điểm tổ chức lễ hội để làm lễ khai hội. Chiếc ống cắm hương và cái trống sẽ được đặt ở vị trí trung tâm và trang trọng nhất ở lễ hội, chờ đến khi lễ hội kết thúc, đích thân ông cụ coi miếu và con cháu dòng họ Chu sẽ mang ống hương và chiếc trống về bày tại vị trí cũ trong miếu thờ.

Đến khoảng 8 giờ đến 9 giờ sáng, các trưởng thôn, trưởng bản và các hộ đã được phân công sẽ đem mâm cỗ ra bày để cúng xin lộc, xin một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Làm xong thủ tục này ông cụ coi miếu sẽ cúng xin phép, báo cáo với thần thánh và đánh trống khai hội. Đánh xong hồi trống khai hội, đích thân ông sẽ tiến hành tung quả còn khai hội. Phần lễ đến đây là kết thúc.

Kết thúc phần lễ, lúc này tất cả mọi người sẽ đến vị trí đặt ống hướng để thắp hương cầu sức khoẻ, may mắn…và tham gia giao lưu văn nghệ giữa các thôn bản, gặp gỡ bạn bè, người thân, thưởng thức những món ăn truyền thống của vùng miền, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, lảy cỏ…hát giao duyên đối đáp… Đáng chú ý nhất ở phần này là các phần thưởng trong trò chơi tung còn. Người đầu tiên tung trúng vòng tròn sẽ được thưởng một cái phích đựng nước, những người sau tung trúng sẽ được thưởng một cái khăn mặt. Đối với người đầu tiên tung trúng tâm của Phoỏng còn thì sẽ được thưởng một cái cày, một cái bừa hoặc một lưỡi cày.

Lễ hội thường kết thúc vào lúc chiều tối cùng ngày, mọi người trở về với tinh thần vui vẻ, viên mãn về tâm linh trong không khí của ngày xuân khai hội. Trở về nhà với vài quả trứng đỏ (mang lại sự may mắn), cành lộc xin tại khu vực miếu thờ để đem về cắm trên bàn thờ với mong muốn một năm mùa màng tươi tốt, lộc đầy nhà…Hẹn gặp bạn bè cố hữu trẩy hội năm sau.

Tác giả: Chu Thị Lý

Trường THCS Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

Nguồn sưu tầm: Từ các cụ dòng họ Chu sinh sống tại thôn Cốc Lải,

xã Bằng Vân, Ngân Sơn

Xem thêm