Lượn cọi – di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào Tày

Với nỗ lực cao của các cấp, ngành và cả cộng đồng, Lượn cọi của đồng bào dân tộc Tày ở Pác Nặm đã và đang được bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại…

Với nỗ lực cao của các cấp, ngành và cả cộng đồng, Lượn cọi của đồng bào dân tộc Tày ở Pác Nặm đã và đang được bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại…

Là thể loại hát có giai điệu thánh thót, uyển chuyển, trầm bổng, luyến láy nên Lượn cọi rất quyến rũ người nghe. Thực tế, Lượn cọi có thể là một bài dài, hoặc cũng có thể chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn; hát đối, cũng có khi tự hát. Hát lượn đòi hỏi người hát phải có chất giọng khỏe, giọng hát hay để chuyển tải được hết những say đắm nồng nàn trong mỗi câu hát, nhằm bày tỏ tình cảm của bản thân với người nghe.

Lượn cọi – di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào Tày ảnh 1

Một tiết mục lượn giao duyên được trình diễn tại lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm”.

Lượn cọi có nhiều cách hát, nhất là ở câu đầu tiên, một là vào phách nhẹ trước, hai là vào phách mạnh trước. Trong đó, ở cách vào phách nhẹ trước thể hiện sự tinh tế, luyến láy hơn và ngược lại, cách hát vào phách mạnh trước lại giúp cho người hát khoe được giọng và hơi của mình. Sau đó thì nhịp vần của điệu lượn đều như nhau, liên tục được lặp đi lặp lại theo một khổ thơ hai dòng hoặc bốn dòng rồi mới quay lại câu diễn xướng ban đầu.

Khi đã vào cuộc hát thường diễn ra theo trình tự: Ban đầu hát những câu mang tính mở đầu, chào hỏi, có nội dung ca ngợi cảnh vật, mô tả cảnh bản làng thanh bình, ngưỡng mộ cánh đồng bát ngát, lúa ngô xanh tốt. Đồng thời, xin phép già bản, cảm ơn chủ nhà vì đã tiếp đãi, tạo điều kiện… sau đó cuộc hát mới chính thức bắt đầu.

Đối với nam nữ thanh niên, Lượn cọi như một ngôn ngữ đằng sau ngôn ngữ tiếng nói để giãi bày tâm sự, suy nghĩ, chia sẻ kinh nghiệm, tỏ tình, để bày tỏ ước mơ tìm đến hạnh phúc, kết duyên vợ chồng. Trong quan hệ gia đình, hát Lượn cọi còn bao hàm tình cảm trìu mến, vừa yêu thương, vừa muốn che chở, vừa dạy bảo để con cái lớn lên thành người có ích, biết yêu thương gia đình, sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Nét đặc trưng của Lượn cọi là tính công khai. Có thể diễn ra trong dịp hội xuân, ngoài bìa rừng, ven suối, giữa hai người hay nhóm người. Lượn trong nhà, thường ngồi quây quần bên bếp lửa những ngày mùa đông, tiết trời lạnh giá, có thể hai hay nhiều người cùng lượn, có người thổi sáo đệm. Tiếng lượn, tiếng sáo vang vọng trong đêm khuya tĩnh mịch khiến cho người nghe nao lòng, say đắm.

Ở đám cưới, Lượn cọi để chúc mừng hạnh phúc cho cặp uyên ương, bằng nhiều hình thức, chủ đề khác nhau, chủ yếu để chúc gia chủ, họ hàng đôi bên mạnh khỏe, hoặc cảm ơn nhờ có được ngày lành tháng tốt nên mới có dịp đến chúc mừng…

Theo ông Hoàng Văn Pjạ ở xã Nhạn Môn (Pác Nặm): Trong các dịp lễ hội hoặc cuộc vui của bản làng, mọi người thường tổ chức thi lượn với nhau. Bên nào cũng cố gắng khoe giọng, khoe trí nhớ để thể hiện các cung lượn. Nội dung theo quy định từ xưa, nếu trong lễ hội Lồng tồng thì thường gồm những bài chúc mừng vua chúa, các quan viên, lượn về sự tích các sự vật, hiện tượng quanh vùng, các chủ đề về tình yêu, hoa, lượn đố bạn… Với nhiều người, lượn giao duyên vẫn là chủ đề hấp dẫn nhất với lời thơ hay chứa đựng nhiều những lời hẹn ước, thề thốt tràn ngập niềm tin hy vọng của tuổi trẻ khao khát tình yêu. Đây là những lời lượn mang tính ngẫu hứng cao, đối đáp tự do theo lối ứng khẩu, tùy theo tình cảnh mà có những lời lẽ thích hợp. Cuộc lượn dài tới hàng trăm câu, các bên cứ thế đối đáp có khi thâu đêm suốt sáng mà vẫn không hết lời hát.

Cuộc sống có nhiều đổi thay, hiện rất ít khi diễn ra các cuộc lượn tỏ tình ở ngoài đường, ngoài chợ nhưng vào một bối cảnh nào đó có thể cho phép thì hai bên vẫn có thể lượn với nhau, ví như trai gái gặp nhau những dịp đi chợ hay đi chơi xuân ngày Tết, họ quen nhau hợp thành một tốp nam và một tốp nữ, bên đường, bên suối hay bên những cây đào, cây mận đang nở rộ. Cũng chính từ những câu lượn, nhiều đôi nên duyên vợ chồng.

Cho đến nay, các làn điệu Lượn cọi truyền thống vẫn đang được cộng đồng dân tộc Tày ở Pác Nặm lưu giữ và thực hành một cách tự nhiên, như một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của họ.

Với việc được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thêm một lần nữa khẳng định Lượn cọi là một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày nói chung, của đồng bào dân tộc Tày ở Pác Nặm nói riêng.

Tại lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm” vừa được tổ chức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp đã khẳng định đây vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cùng với đó thì trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản phải được quan tâm, thực hiện tốt hơn. Đây là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền và của cả cộng đồng, nhất là những người thực hành, truyền dạy di sản Lượn cọi. Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lượn cọi đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có, huyện Pác Nặm sẽ đưa vào chương trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Còn đối với những người gắn bó, yêu mến Lượn cọi, từng câu, đoạn lượn phản ánh một cách đầy đủ bản sắc văn hóa của đồng bào Tày trong cách ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con cái với cha mẹ, tình yêu nam nữ và các tập tục trong quan hệ dòng tộc, gia đình và làng xóm... Người hát, người nghe thực sự “say” với những làn điệu trữ tình, sâu lắng khiến trái tim người trẻ trào dâng, người già khắc khoải…/.

Hoàng Vũ

Xem thêm