Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một thành viên trẻ (2018 - 2024), nhưng với sự nỗ lực thực hiện các khuyến nghị và tích cực tham gia hoạt động của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đã tạo uy tín lớn, được bạn bè quốc tế bầu chọn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) để tiếp tục chia sẻ, kết nối, đoàn kết, phát triển CVĐC giữa các quốc gia.
Thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của UNESCO
Đến 4 tuyến CVĐC Non nước Cao Bằng, chúng tôi được chứng kiến mỗi một địa phương, cộng đồng dân cư, các cơ quan, ban, ngành có những cách làm riêng thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO để nâng tầm giá trị di sản CVĐC, tạo sinh kế mới theo hướng xanh, bền vững.
Trên tuyến hướng Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, ông Lương Văn Chúng, Trưởng xóm Đâư Cọ, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) dẫn chúng tôi đi tham quan diện tích rừng tự nhiên và chia sẻ: Gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ khác trong xã làm nghề rèn dao, nông cụ rất cần chất đốt nhiệt độ cao để tôi lưỡi thép. Nhưng tuyệt đối không có hộ nào lên rừng chặt phá cây để làm chất đốt mà đều đi mua than từ nơi khác về đốt lò rèn. Sở dĩ bà con tích cực bảo vệ rừng, hệ sinh thái là do được tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng gắn với bảo vệ di sản CVĐC và làm nghề truyền thống theo hướng bền vững. Vì thế trên 800 ha rừng của xã được bảo vệ, phát triển tốt, bảo tồn đa dạng sinh học trên 20 loài thực vật, động vật quý. Dưới tán rừng là nơi bà con trồng chè chất lượng cao, cây ăn quả, một số loại cây rừng để làm nguyên liệu hương thơm, giấy bản bán ra thị trường được khách du lịch trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Giá trị di sản CVĐC còn được truyền lửa đến hàng nghìn học sinh của hơn 100 trường TPHT, THCS. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Ngọc Thư cho biết: Những năm qua, các trường học tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục kiến thức di sản CVĐC cho học sinh. Tổ chức cho học sinh đi thực tế 4 tuyến CVĐC và tham gia các cuộc thi tìm hiểu về CVĐC. Mô hình “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC” tổ chức nhiều hoạt động phong phú…
Cảnh quan di sản địa chất bazan cầu gối đèo Mã Phục (Quảng Hòa) thu hút du khách dừng chân khám phá, checkin.
Cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ CVDC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” thu hút 87 trường học tham gia. Tuyển chọn học sinh, sinh viên tham gia diễn đàn “Thanh niên CVĐC Toàn cầu UNESCO”. Em Lê Thị Thu Trang, sinh viên Đại học Ngoại giao (người Cao Bằng), đại diện thanh niên CVĐC Non nước Cao Bằng đạt giải nhất cuộc thi hào hứng chia sẻ: Tham gia diễn đàn và được giải nhất, em tự hào Cao Bằng có nhiều giá trị di sản CVĐC tầm cỡ quốc tế, đồng thời thấy rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ phải tích cực tuyên truyền, quảng bá di sản CVĐC đến với bạn bè trong nước và quốc tế…
Đối với các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ để khảo sát thực địa, thẩm định chuyên ngành hơn 10 dự án khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, 14 dự án xây dựng yêu cầu thực hiện bảo vệ tài nguyên môi trường CVĐC. Tôn tạo, nâng cấp, bổ sung hạ tầng một số điểm di đá Granit Phja Oắc, mỏ vonfram Bản Ỏ (Nguyên Bình); làng dệt thổ cẩm Luống Nọi, cảnh quan Kéo Yên và cúc đá Lũng Luông (Hà Quảng); mỏ nước thần bản Lũng Sạng, xã Hồng Quang, nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); vườn hạt dẻ Bản Khấy, thủy điện Thong Gót - Nà Sơn, “Homestay ngựa của dân tộc Nùng” (Trùng Khánh).
Tại các tuyến trải nghiệm CVĐC đầu tư xây dựng các biển chỉ dẫn, bãi đỗ xe, biển thông tin tại các điểm di sản; xây dựng điểm chụp ảnh “checkin”, giới thiệu giá trị di sản địa chất tại điểm di sản. Đầu tư xây dựng tuyến CVĐC thứ 4 (thành phố Cao Bằng - Thạch An - Quảng Hòa) với 15 điểm di sản và đối tác; đang xây dựng tuyến thứ 5 huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)…
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, Trưởng đoàn kiểm tra thực hiện khuyến nghị của mạng lưới tại Cao Bằng nhận định: Mỗi lần lên Cao Bằng khảo sát, kiểm tra, thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, tôi đều thấy sự đổi mới, tích cực từ cộng đồng dân cư đến các cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của mạng lưới. Cao Bằng xứng đáng với điểm cao trong kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC năm 2022 và tiếp tục phát huy tốt hơn nữa.
Khẳng định là thành viên tích cực, trách nhiệm
CVĐC Non nước Cao Bằng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động do mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO tổ chức, phát động đã tăng cường gắn kết các hoạt động của CVĐC Non nước Cao Bằng với mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, như: hằng năm, tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày “Quốc tế vì cộng đồng dân tộc thiểu số” sinh sống trong vùng CVĐC UNESCO ngày 9/8; Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5; tham gia khóa học trực tuyến về quản lý danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO; tham dự các cuộc họp tổng kết của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham dự sự kiện trực tuyến vinh danh các CVĐC mới - Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết.
Ngày làm sạch môi trường thế giới (19/9), CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức ra quân, phát động và dọn dẹp vệ sinh môi trường tại điểm di sản bazan cầu gối đèo Mã Phục (Quảng Hòa), Mắt Thần núi, xã Cao Chương (Trùng Khánh), núi lưng rồng (Nguyên Bình) và các điểm di sản khác trên 4 tuyến du lịch CVĐC. Nhân rộng hiệu quả mô hình “Cùng em khám phá CVĐC” lan tỏa sự hiểu biết, nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ và phát huy các giá trị CVĐC…
CVĐC Non nước Cao Bằng tích cực tham gia các hội chợ, sự kiện lớn trong nước và quốc tế để giới thiệu 4 tuyến du lịch CVĐC, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc hữu CVĐC gắn logo CVĐC như: Chè giảo cổ lam, chè Kolia, hương Phja Thắp, miến dong Nguyên Bình, thổ cẩm Luống Nọi, thổ cẩm in hoa văn sáp ong của đồng bào Dao Tiền...
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO kiểm tra bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) phát triển nghề làm giấy bản từ bảo tồn cây nguyên liệu dưới tán rừng.
Tăng cường quảng bá CVĐC Non nước Cao Bằng trên báo chí Trung ương, địa phương, phát hành tài liệu tiếng Việt - Anh - Trung bản tin, tờ rơi về 4 tuyến du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Vận hành Trang thông tin điện tử CAO BANG GEOPARK thu hút trên 32.000 lượt truy cập/tháng, chủ yếu đều đến từ nước ngoài, góp phần quảng bá, giới thiệu tỉnh Cao Bằng ra thế giới. Qua đó, nước Pháp, Trung Quốc, Thái Lan đã đến Cao Bằng học tập và chia sẻ kinh nghiệm vận hành CVĐC.
Anh Lico Paschik, du khách nước Pháp đến Cao Bằng chia sẻ: Từ trang thông tin CAO BANG GEOPARK, tôi đã đến Mắt Thần núi, thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao (Trùng Khánh) để trải nghiệm và choáng ngợp trước vẻ đẹp nơi đây. Người dân Cao Bằng thân thiện và mến khách nên tôi sẽ còn trở lại nhiều lần.
Giáo sư Ibrahim Komoo, Phó Chủ tịch, điều phối viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO nhận định: Kết quả tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO (từ tháng 5 - 8/2022) ghi nhận sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền các cấp Cao Bằng đã thực hiện trên 84% công việc thuộc khuyến nghị của UNESCO. Đồng thời, đóng góp thêm nhiều ý kiến về bảo vệ, nâng tầm giá trị di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phát triển hơn.
Nỗ lực của CVĐC Non nước Cao Bằng được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tháng 9/2022, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn tham dự hội nghị APGN-7 diễn ra tại Satun, Thái Lan (từ ngày 4 - 11/9/2022) đã báo cáo, chia sẻ nỗ lực hoạt động của CVĐC Non nước Cao Bằng và trình bày hồ sơ về việc đăng cai hội nghị APGN-8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cao Bằng năm 2024 đã được 100% thành viên Ủy ban bỏ phiếu đồng thuận.
Cao Bằng thực hiện tốt 6 khuyến nghị của UNESCO gồm: giáo dục về CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc; nghiêm cấm việc buôn bán các mẫu vật/vật liệu địa chất trong vùng CVĐC; công việc này cần phải kiểm tra thường xuyên bảo đảm không bị tái diễn như trước đây; hạ tầng cơ sở cần được nâng cấp, cải tạo để việc đi lại thuận tiện hơn, đặc biệt trong mùa mưa; bổ sung thêm bảng, biển thuyết minh, chỉ dẫn rõ ràng hơn tại 4 tuyến đường du lịch CVĐC; các điểm di sản CVĐC dọn sạch đá bảo đảm an toàn cho du khách; tăng cường sự tham gia của Ban Quản lý trong các hoạt động của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO… Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản CVĐC, thúc đẩy du lịch Cao Bằng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Từ năm 2020 đến tháng 8/2024, tổng lượt khách du lịch trên 5,4 triệu lượt, doanh thu trên 3.100 tỷ đồng, vượt 103% so với chỉ tiêu, đạt và vượt mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 - 5%/năm, thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của UNESCO./.