Hội nghị báo cáo khoa học xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù dân tộc Tày

BBK - Ngày 30/10, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tổ chức Hội nghị báo cáo khoa học xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù dân tộc Tày, bảo vệ văn hoá phi vật thể dân tộc Tày tại thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì.

z5983313339546-62c93d013c992fdbedbb9f1ff3a6a7f4.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị có ông Nông Quang Kế, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì; lãnh đạo Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; UBND thị trấn Yến Lạc; bí thư, trưởng thôn Nà Hin, thị trấn Yến Lạc; Ban quản lý bảo tồn mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù dân tộc Tày, bảo vệ văn hóa phi vật thể dân tộc Tày; và 30 hộ dân trên địa bàn thị trấn Yến Lạc.

Thị trấn Yến Lạc là trung tâm văn hoá chính trị - hành chính của huyện Na Rì, nơi kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thị trấn như: Động Nàng Tiên, Bản Mây, khu Phố Cổ… mở rộng các điểm du lịch trên địa bàn huyện gồm có: Hồ Khuổi Khe, thác Nà Đăng, động Nà Tuồng, di tích lịch sử Pò Két, chợ tình Xuân Dương, lễ hội chọi bò… Bản sắc văn hóa tộc người bản địa cũng là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch.

Tại Hội nghị báo cáo, các chuyên gia đã chỉ ra những lợi thế để phục vụ phát triển du lịch ở thị trấn Yến Lạc như: Cộng đồng các dân tộc ở thị trấn Yến Lạc vẫn lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống cốt lõi của dân tộc mình. Các di sản văn hoá của cộng đồng vẫn được duy trì như: Hát then, hát ru, nghệ thuật múa bát, nghề dệt vải…

Thị trấn Yến Lạc cũng là trung tâm chính trị - hành chính của huyện Na Rì, nơi hội tụ các tinh hoa văn hoá của tất cả các cộng đồng trên địa bàn huyện. Vị trí đắc địa này giúp nâng cao tiềm năng phát triển du lịch, từ việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như nhà hàng, quán cafe cho những người đi đường, đến việc xây dựng các dịch vụ lưu trú như nhà nghỉ, khách sạn để thuận tiện cho những du khách muốn trải nghiệm văn hoá tại Yến Lạc một cách chi tiết và lâu dài. Để phát huy được những lợi thế này, các chuyên gia cũng chỉ ra cần phải cải tạo cảnh quan và cung cấp các dịch vụ văn hóa, văn nghệ đòi hỏi sự tham gia tích cực từ cả cộng đồng. Cần có sự quyết tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mọi cấp để xây dựng một cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ và nhân lực làm du lịch.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Trung Vinh, nghiên cứu viên chính, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Dự án xây dựng mô hình trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa đặc thù của dân tộc Tày, bảo vệ văn hoá phi vật thể dân tộc Tày tại thị trấn Yến Lạc do Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch, Sở VHTT&DL Bắc Kạn thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch địa phương theo mô hình du lịch cộng đồng, mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách. Mô hình này không chỉ tập trung vào việc thu hút du khách mà còn hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống".

Mô hình trải nghiệm tạo ra cơ hội cho du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống và văn hóa của người Tày. Thông qua các hoạt động tương tác như tham gia vào lễ hội truyền thống, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống, thưởng thức ẩm thực truyền thống, và học hỏi về tập quán hằng ngày, du khách có thể có cái nhìn sâu sắc về đời sống và giá trị của cộng đồng địa phương. Mô hình trải nghiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương. Việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch có thể mang 4 lại nguồn thu nhập ổn định, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giáo dục trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân địa phương./.

Xem thêm