Một năm khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn

BBK - Năm 2024 đánh dấu một năm khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khi rất nhiều mục tiêu đã đề ra không đạt. 

996.jpg
Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng người dân đổ bê tông sân Nhà Văn hóa thôn Pàn Xả, xã Lương Thượng, huyện Na Rì.

Từ năm 2022, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể phấn đấu xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên đến nay xã mới đạt 8/19 tiêu chí. Từ đầu năm 2024, xã đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung phát triển kinh tế từ cây trồng chủ lực của địa phương như chè, bí xanh thơm, cây dược liệu, phát huy vai trò của các HTX trong liên kết, thúc đẩy sản xuất hàng hóa tại địa phương và phấn đấu thực hiện 02 tiêu chí về giao thông, trường học, tuy nhiên những tiêu chí này đều cần nguồn lực đầu tư lớn. Bên cạnh đó, các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập… cũng rất khó thực hiện.

Bà Đặng Thị Tươi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể cho biết: Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tăng nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Các xã đã về đích nông thôn mới của giai đoạn trước khó duy trì đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hầu hết ở khu vực III nên khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu, kế hoạch chương trình đề ra.

Năm 2024, cấp huyện duy trì thành phố Bắc Kạn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Chợ Đồn, huyện Bạch Thông phấn đấu đạt thêm tiêu chí nông thôn mới. Về xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo đánh giá hết năm 2024 có 3/24 xã được công nhận đạt chuẩn, đạt 12,5% kế hoạch (gồm các xã: Lục Bình, huyện Bạch Thông; Nam Cường, Yên Phong, huyện Chợ Đồn). Phấn đấu thực hiện 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nhưng hết năm 2024 không có xã nào đạt chuẩn. Phấn đấu thực hiện 152 thôn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay không có thôn đạt chuẩn.

Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Hiện nay, nhu cầu kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã rất lớn, đặc biệt là để thực hiện tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, nhà ở... Trong khi đó nguồn kinh phí thực hiện phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nơi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao.

Điểm sáng nhất trong công tác xây dựng NTM năm 2024, đó là các cấp, các ngành và Nhân dân vẫn miệt mài, nỗ lực xây dựng NTM, tạo sự đổi thay ở mọi vùng quê.

45.jpg
Người dân xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới tham gia làm đường nông thôn mới.

Đơn cử như trong năm, MTTQ các cấp vận động Nhân dân hiến được hơn 170.766m2 đất, góp trên 20.340 ngày công lao động, sửa chữa, làm mới 19.272m đường giao thông nông thôn, góp trên 1,8 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đến nay, có 57/59 cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới, góp phần vào kết quả chung trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Từ năm 2021 – 2023, có 69 cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ 59 xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình OCOP đã có nhiều tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Các sản phẩm OCOP đã được sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của chương trình, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Phát triển sản phẩm OCOP cũng đã từng bước khơi dậy được tiềm năng đất đai, lợi thế so sánh, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ và du lịch. Từ phần lớn là những sản phẩm nhỏ lẻ, sản xuất và tiêu thụ theo hướng tự phát, sau khi đạt chuẩn OCOP đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, được sản xuất theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn mác, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng... Hiện tỉnh Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm 5 sao, gồm: Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì) và 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Cổ phẩn công nghệ dược liệu Bắc Hà (Thành phố Bắc Kạn); 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 199 sản phẩm OCOP 3 sao.

Dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh đang từng bước vươn lên, đem lại sự đổi mới, ấm no cho người dân các địa phương./.

Xem thêm