Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những người phụ nữ dân tộc Tày Bắc Kạn về công việc ươm tơ, dệt vải… Những động tác, nhịp bước lúc nhanh, lúc chậm, nhịp nhàng, khoan thai đã tạo nên điệu múa bát vui nhộn, đẹp mắt và khỏe khoắn, mong ước cuộc sống đủ đầy, mùa màng bội thu.
Người Tày Bắc Kạn có một nền văn hóa cổ truyền phong phú, bao gồm các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, lễ hội truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ phổ biến như: Lượn slương, lượn cọi, phong slư, hát ru, hát quan làng; múa bát, múa chầu, múa quạt và múa nghi lễ trong Then…
Múa bát là điệu múa cổ của người Tày, được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời, mô phỏng nghề dệt vải truyền thống của người Tày, được tỉnh Bắc Kạn cũng như các thế hệ người Tày lưu giữ và bảo tồn. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian quan trọng trong dịp Tết, lễ hội truyền thống hằng năm, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ, các đội văn nghệ dân gian được thành lập. Các mô hình này đã kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để sinh hoạt, giao lưu, tập luyện và tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương… Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục được duy trì và có cơ hội bảo tồn và phát triển trong đời sống hiện nay.
Tại Lễ khai mạc “Tuần Văn hóa-Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024, diễn ra vào tối ngày 27/4 tới đây, khán giả và du khách sẽ được thưởng thức màn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn” với sự tham gia của 1.000 diễn viên, nghệ nhân.
Để chuẩn bị cho màn trình diễn, mỗi huyện đã huy động 60 người, riêng thành phố Bắc Kạn 80 người và 500 em học sinh. Các học sinh, diễn viên, nghệ nhân đã tích cực luyện tập tại chỗ để thuần thục 28 động tác cơ bản của màn múa bát.
Với chủ đề “Bắc Kạn, Sáng ngời ánh sao”, màn trình diễn của 1.000 diễn viên, nghệ nhân với màn dàn dựng, đạo diễn của NSND Nguyễn Minh Thông sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm lý thú về nghệ thuật truyền thống và hành trình sâu lắng khám phá về tâm hồn, triết lý sống của đồng bào dân tộc Tày...
Điểm đặc biệt của múa bát của người Tày chính là việc sử dụng (bát - đũa) gõ vào nhau tạo ra âm thanh để biểu diễn. Các nghệ nhân Tày thường cầm bát sứ với đôi đũa tre để gõ nhịp trong khi di chuyển và biểu diễn các động tác múa. Những động tác múa này linh hoạt, đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác và sự đồng bộ giữa những người bạn diễn. Điều này tạo ra một bức tranh sinh động, mang màu sắc riêng trong văn hóa truyền thống người Tày.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, múa bát của người Tày Bắc Kạn đã và được lưu truyền, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của các thế hệ, đóng góp không nhỏ vào kho tàng di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc Việt Nam, là kết tinh của sự sáng tạo và tinh thần giao thoa giữa con người với thiên nhiên. Với việc truyền dạy, quảng bá và lan tỏa, Bắc Kạn đang đưa múa bát trở thành biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng bà con dân tộc Tày và cộng đồng các dân tộc trong toàn tỉnh./.