Nà Buốc - sáng mãi ngọn lửa anh dũng

BBK - Đồng chí Bàn Văn Hoan, Phan Văn Long và thầy giáo Nông Văn Bọc – những người con kiên trung của Bắc Kạn, đã trở thành biểu tượng bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

nabuoc-6703.jpg
Ông La Bảo Duy, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh (người thứ hai từ trái sang) trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố đối với Di tích lịch sử Nà Buốc cho xã Quang Thuận (Bạch Thông).

Đầu năm 1942, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh có chủ trương Nam Tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách xây dựng con đường cách mạng từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên. Hoạt động của các đội xung phong Nam tiến và Bắc tiến đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh chóng. Tại tổng Bằng Đức (Ngân Sơn), sau khi được tuyên truyền, giác ngộ, đồng bào Dao hăng hái tham gia cách mạng. Trong đó có đồng chí Bàn Văn Hoan, người con tiêu biểu của bản Dao tại xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể.

Tới năm 1943, đồng chí Bàn Văn Hoan vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành người con dân tộc Dao đầu tiên được đứng dưới lá cờ vinh quang của Đảng. Phấn đấu cho cách mạng, đóng góp nhiều công lao, khẳng định được tư tưởng vững vàng, đồng chí đã được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm khu Việt Minh Quang Trung (bao gồm địa phận các huyện Bạch Thông, Chợ Rã, Ngân Sơn và Chợ Đồn).

Gia đình đồng chí Bàn Văn Hoan là “gia đình hoàn toàn” đầu tiên ở Lủng Cháng tham gia Việt Minh, trở thành cơ sở vững chắc cho cán bộ Nam tiến. Trong những năm 1943, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đến hoạt động ở Lủng Cháng, Hà Hiệu đã cư trú ở nhà đồng chí Hoan.

Từ cuối năm 1943, đầu năm 1944, thực dân Pháp tiến hành khủng bố nhiều vùng trong tỉnh, chủ yếu ở Ngân Sơn và Chợ Rã, nơi chúng coi là hai trung tâm “tuyên truyền cộng sản” của tỉnh Bắc Kạn. Tháng 01/1944, đồng chí Hoan đi công tác và bị địch bắt ở Lủng Viền, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn (giáp ranh với Lủng Cháng), và đưa về giam ở nhà tù Bắc Kạn.

Đồng chí Phan Văn Long là người ở Lủng Coóc, xã Quân Bình (nay là xã Quân Hà), huyện Bạch Thông. Đồng chí đi làm con nuôi tại Bản Súng, Vân Tùng, Ngân Sơn. Theo hồi ký “Con đường Nam tiến” của ông Nông Văn Quang có ghi: Ở châu Ngân Sơn, vào một ngày tháng 12 năm 1943, anh Phan Văn Đặng đang ra phố đi chợ, bị lính đoan Bắc Kạn khám người bắt được 13 tờ báo Việt Nam độc lập (số báo ra ngày 10-10-1943). Hôm sau chúng kéo vào Bản Súng (nay thuộc thị trấn Vân Tùng) khám nhà anh Phan Văn Long (tức đồng chí Quốc Thanh), bắt được quyển sách binh vận dày 24 trang "Việt minh kêu gọi binh lính đứng lên đánh Tây, Nhật". Vậy là cả hai anh Đặng và Long bị chúng bắt đưa về nhà tù Bắc Kạn.

Ông Nông Văn Bọc là anh ruột của nhà thơ Nông Quốc Chấn và nhà văn Nông Viết Toại, nhà ở Nà Cọt, xã Tô Khê (nay là Cốc Đán, huyện Ngân Sơn). Theo hồi ký “Con đường Nam tiến”, ông Bọc bị bắt trong tình huống như sau: Tháng 1 năm 1944 (tức tháng 12 ÂL-1943), trong cùng một ngày, Pháp tổ chức thành ba toán từ châu lỵ Ngân Sơn đi khám xét mấy nơi. Toán đầu do đích thân tên chánh mật thám Bắc Kạn cầm đầu, kéo vào thẳng xã Tô Khê lục soát nhà anh giáo Nông Văn Bọc, nhưng tất cả đều không thu được tang vật gì. Tuy vậy, tên chánh mật thám bắt anh giáo Bọc (bí danh Quốc Phong) đi giam tại nha tri châu Ngân Sơn. Đêm đó, anh Bọc trốn thoát, anh về bản Duồm liên lạc với anh Phúc Minh, một hội viên cốt cán của Hội. Hoạt động được một thời gian, anh Bọc lại bị chúng bắt và giam ở nhà tù Bắc Kạn.

nabuoc3.jpg
Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương, nhân chứng lịch sử khảo sát hiện trạng, xác định vị trí địa điểm di tích.

Tinh thần kiên cường, bất khuất của các đồng chí đã được ghi lại trong hồi ký “Con đường Nam tiến” như sau: “Trong tù, các anh (Bàn Văn Hoan, Phan Văn Long, Nông Văn Bọc) bị chúng tra khảo rất dã man, anh giáo Bọc bị chúng tra tấn gãy một chiếc răng hàm trên, nhưng cuối cùng bọn chúng cũng không khai thác được gì ở các anh. Tuy nhiên, những hoạt động của các anh, bọn chúng đều biết rõ qua những nguồn mật báo của bọn tay sai, mật thám. Do vậy, chúng xử bắn các anh bằng mưu bày đặt. Chúng cho lính áp giải các anh vào đường Chợ Đồn, đến km mười, bãi Nà Lộc (nay là Nà Buốc) xã Quang Thuận, chúng xả súng bắn chết cả ba anh với cớ "tù chạy trốn". Xác của ba anh bị chúng đẩy xuống sông Cầu, trôi đi một quãng độ một km, chúng bắt dân địa phương vớt lên, đào một hố chôn chung cả ba thi thể. Trong ba anh, có anh Bàn Văn Hoan là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, đang giữ trọng trách phó chủ nhiệm Ban Việt minh Khu Quang Trung, anh Phan Văn Long là ủy viên Ban Việt minh châu Ngọc Quyến (Ngân Sơn)”.

Trở lại Nà Buốc, nơi các đồng chí đã anh dũng hi sinh, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Hà Minh Khoa (sinh năm 1972), hiện đang là Phó Chủ tịch HĐND xã Quang Thuận. Ông Khoa từ thủa còn đi chăn trâu đã được nghe các cụ trong làng kể về sự hy sinh của ba chiến sĩ cách mạng bị giặc Pháp bắt.

Ông Khoa nhớ lại: “Ngày nhỏ tôi trực tiếp được nghe bà nội tôi kể: Khu vực Nà Buốc đầu Nà Gia thuộc thôn Nà Vài là nơi ông giáo Bọc cùng hai chiến sĩ cách mạng bị Tây giải đến đây, các chiến sĩ bị tra tấn dã man, cực khổ nhưng giặc không khai thác được gì và chúng đã bắn cả ba chiến sĩ, riêng ông giáo Bọc bóp cò bắn 3 phát đạn mới nổ. Sau đó được người dân địa phương đưa xuống theo sông khoảng gần 1km đến khe suối Pác Thôm Phi rồi đào hố chôn chung cả ba người.”

Trải qua thời gian thăng trầm lịch sử các cuộc chiến tranh tàn phá, cùng với sự ảnh hưởng của thiên nhiên và sự tác động con người, nơi vị trí ba đồng chí cán bộ Việt Minh bị sát hại không còn dấu tích. Hiện vật lưu lại chỉ còn nền đất không còn được nguyên vẹn, tại nền đất vị trí di tích hiện nay đang được chính quyền UBND xã Quang Thuận quản lý, bảo vệ.

Biết bao năm nay, câu chuyện đã được người dân xã Quang Thuận kể lại cho các thế hệ con cháu như một lời nhắc nhở về tinh thần anh dũng của những người con quê hương. Ngày 28/11/2024, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Quang Thuận đã vinh dự, tự hào tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích lịch sử Nà Buốc”.

Mong rằng, trong thời gian tới di tích sẽ sớm được đặt bia, tu bổ, tôn tạo để tinh thần quả cảm của những người con Bắc Kạn sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa. Đồng thời nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm đến cho khách tham quan, du lịch./.

Bài viết có tham khảo các tư liệu:

Võ Nguyên Giáp- Từ nhân dân mà ra, in trong Những chặng đường lịch sử, NXB Văn Học- 1997.

Lịch sử Đảng bộ xã Quang Thuận (1935-2015)- Nhà xuất bản Thanh Niên

Lịch sử Đảng bộ huyện Ba Bể 1930-1954- Huyện ủy Ba Bể xuất bản năm 1998

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn- Tập I- Nhà xuất bản chính trị Quốc gia

Xem thêm