Nêu cao tính chủ động của cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trực tiếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội...

Lưu Ngọc Trung

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn

Cán bộ, đảng viên Đảng ủy Các cơ quan tỉnh học nghị quyết bằng hình thức trực tuyến do Tỉnh ủy tổ chức.

Cán bộ, đảng viên Đảng ủy Các cơ quan tỉnh học nghị quyết bằng hình thức trực tuyến do Tỉnh ủy tổ chức.

Nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trực tiếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội để việc cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đã đề ra.

Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Các nghị quyết, chỉ thị vừa được ban hành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu tổ chức 22 hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh.

Để việc nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức hội nghị trực tuyến đến cấp xã và kết hợp với truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn. Qua đó, không chỉ cán bộ, đảng viên được học tập mà Nhân dân cũng được biết, theo dõi những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mới ban hành. Việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp truyền đạt những nội dung cốt lõi, kết hợp với triển khai dự thảo kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh để cán bộ, đảng viên biết, tham gia góp ý.

Ngay sau hội nghị của tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập đối với cán bộ, đảng viên chưa được học tập tại hội nghị do tỉnh tổ chức. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đạt trên 98%. Điều đó cho thấy phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh đều rất quan tâm đến việc nghiên cứu, học tập các chủ trương của Đảng.

Việc nghiên cứu, học tập không chỉ giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, vận dụng linh hoạt quan điểm, chủ trương của Đảng vào thực tiễn công tác, mà còn chủ động hơn trong công tác tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân, qua đó góp phần ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Sơ kết hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ghi nhận nhiều kết quả rất đáng mừng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, đánh giá công tác xây dựng Đảng về tư tưởng cho thấy, vẫn còn một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh, nhất là các văn bản mới.

Do đó, để tiếp tục nêu cao tính chủ động của cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, học tập các chủ trương của Đảng, chuyển hóa từ nhận thức thông qua việc học tập, nghiên cứu trở thành hành động đúng đắn, cụ thể, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả, tránh hình thức. Quán triệt sâu sắc việc nghiên cứu, học tập là khâu rất quan trọng, là tiền đề để đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

Hai là, nêu cao tinh thần tự giác, tích cực, chủ động và nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ để việc nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp theo tinh thần “Trên trước, dưới sau”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nghiên cứu, học tập không chỉ để nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, mà qua đó phải chuyển hóa thành hành động cụ thể với quyết tâm “Năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Ba là, quá trình nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải xác định nội dung trọng tâm, cốt lõi, nhất là nghiên cứu kỹ lưỡng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan, tác động trực tiếp đến từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, địa phương, đơn vị để quá trình vận dụng, cụ thể hóa và triển khai thực hiện đảm bảo khoa học, sát thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực.

Bốn là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên; phát hiện, nhân rộng, biểu dương mô hình, giải pháp, tập thể, cá nhân thực hiện tốt để lan tỏa trong toàn đảng bộ.

Chủ trương đã có, nhưng để đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh cùng với Nhân dân các dân tộc trên địa bàn quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững./.

Xem thêm