Nông nghiệp Na Rì bắt nhịp theo chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hay bán hàng qua mạng xã hội… là những cách làm của nông dân Na Rì trong việc ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Chị Lý Thị Hồng, thôn Nà Khanh, xã Đổng Xá chụp ảnh hái rau bò khai đăng lên mạng xã hội để bán.

Chị Lý Thị Hồng, thôn Nà Khanh, xã Đổng Xá chụp ảnh hái rau bò khai đăng lên mạng xã hội để bán.

Trước đây, khi mới đưa sản phẩm men lá của gia đình đến bán tại các chợ phiên chị Bàn Thị Hoa, xã Sơn Thành thấy lượng tiêu thụ thấp do chưa có khách quen. Sau đó, được bạn bè "mách nước", chị Hoa tìm tòi cách bán hàng qua mạng xã hội facebook, zalo thì lượng tiêu thụ tăng cao.

Chị Hoa chia sẻ: "Nếu không đưa sản phẩm lên mạng xã hội chào bán thì chắc công việc làm ăn của gia đình không thuận lợi như vậy. Một số bà con trong thôn cũng bắt đầu tiếp cận với thương mại điện tử, giúp nông sản làm ra dễ dàng tiêu thụ hơn".

10 phút sau khi chụp ảnh và đăng clip lên trang facebook cá nhân về lứa rau bò khai đến kỳ thu hoạch, chị Lý Thị Hồng, thôn Nà Khanh, xã Đồng Xá đã có người chốt đơn 50 bó. Điều này không làm chị Hồng bất ngờ vì khoảng 2 năm qua, sản phẩm rau bò khai của gia đình và các thành viên HTX được nhiều bạn hàng trong và ngoài huyện biết đến nhờ mạng xã hội.

Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số huyện Na Rì năm 2023

(Kế hoạch số 179/KH-UBND về chuyển đổi số)

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử tối thiểu 50%, trong đó cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt 100%.

- Tỷ lệ giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử tối thiểu 70%.

- Tỷ lệ hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử tối thiểu 50%

Từ năm 2018, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan (xã Côn Minh) tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến năm 2021 sản phẩm miến dong của HTX được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, là niềm tự hào của Bắc Kạn. Để vươn ra "biển lớn", HTX Tài Hoan đã nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nhưng vẫn bảo đảm tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, sản phẩm miến dong Tài Hoan còn được đăng bán trên một số trang thương mại điện tử uy tín. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, qua những cuộc xúc tiến thương mại, thương hiệu miến dong Tài Hoan đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài.

Trước đây các sản phẩm nông nghiệp của huyện Na Rì như miến, cam quýt, dược liệu, bánh… đều được đóng gói truyền thống thì nay đã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin dùng hơn, lượng tiêu thụ vì thế cũng tăng so với trước. Qua đó, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Huyện Na Rì đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và bước đầu hướng đến xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số cho người dân, đặc biệt là các HTX trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Na Rì còn mới mẻ, tự phát, số lượng còn ít, chủ yếu ở khâu tiêu thụ. Vì thế cần vai trò “bà đỡ” của cấp, ngành chức năng để chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Na Rì diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

Đồng chí Nông Văn Nguyên, Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết: Huyện đã lập kế hoạch cho cả giai đoạn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trước mắt, địa phương sẽ xây dựng một số mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm...Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức. Vì thế, huyện xác định cần chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm để nắm bắt thời cơ, lợi thế, tạo xung lực mới cho nông nghiệp, nông thôn của Na Rì đi lên./.

Xem thêm