Phát triển kinh tế hộ - yếu tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở Na Rì

Những năm qua, huyện Na Rì luôn xác định hoạt động xây dựng đời sống văn hóa muốn đạt kết quả cao cần gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế hộ. Với định hướng và cách làm phù hợp, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến.

Những năm qua, huyện Na Rì luôn xác định hoạt động xây dựng đời sống văn hóa muốn đạt kết quả cao cần gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế hộ. Với định hướng và cách làm phù hợp, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến.

Để xây dựng thành công chỉ tiêu gia đình văn hóa, trước tiên huyện làm tốt việc phát triển kinh tế hộ bền vững, tập trung công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên phát huy sức trẻ với phong trào “Tuổi trẻ lập thân lập nghiệp, giúp nhau làm kinh tế giỏi”; chú trọng chỉ đạo ngành chuyên môn tư vấn, hướng dẫn bà con cách phòng và điều trị bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức nhiều đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại các phiên chợ đầu mối; tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP trong và ngoài tỉnh, giúp người dân tìm kiếm, giới thiệu kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 Na Rì luôn gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế hộ với xây dựng đời sống văn hóa (Ảnh: Một mô hình kinh tế có thu nhập khá ở thị trấn Yến Lạc).

Na Rì luôn gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế hộ với xây dựng đời sống văn hóa (Ảnh: Một mô hình kinh tế có thu nhập khá ở thị trấn Yến Lạc).

Do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phát triển kinh tế hộ được triển khai đồng bộ với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, bao gồm các nội dung thi đua: Sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo,“Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”... Mỗi thành viên trong gia đình thường xuyên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm, từ hơn 40,89% năm 2016 xuống còn hơn 20% cuối năm 2020. Về xây dựng nông thôn mới, tính đến thời điểm này, bình quân mỗi xã đạt 11,4/19 tiêu chí. Các mô hình liên kết sản xuất phát triển, nhiều mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, như: Hợp tác xã Trần Phú; Hợp tác xã dược liệu Bảo Châu; Hợp tác xã miến dong Tài Hoan; Hợp tác xã mía đường Cường Lợi; Hợp tác xã cộng đồng Khuổi Khe…

Nhiều gia đình có mô hình kinh tế đem lại thu nhập khá, như: Gia đình ông Nông Văn Thu, xã Văn Lang phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm thu nhập hơn 350 triệu đồng; gia đình chị Phan Thị Vui, xã Trần Phú, với mô hình chăn nuôi mỗi năm thu nhập 300 - 400 triệu đồng; gia đình ông Đinh Duy Lý, thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc, với mô hình trồng rừng và cây ăn quả (hơn 3,5ha cam Đường Canh, khoảng 400 cây bưởi Diễn và hơn 500 cây quýt...). Hiện ông Lý là Giám đốc HTX trồng cây ăn quả thị trấn Yến Lạc; sản phẩm của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Từ phát triển trồng cây ăn quả, gia đình ông xây dựng được cơ ngơi nhà ở khang trang giá trị hàng tỷ đồng.

Có thể nói, phát triển kinh tế hộ gia đình có vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa gắn với nông thôn mới ở Na Rì, góp phần giúp người dân phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tại địa phương.

Những thành công của các HTX, hộ gia đình sản xuất đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, là động lực để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Năm 2010 toàn huyện có 64,6% số hộ được công nhận "Gia đình văn hóa", đến năm 2020 số hộ được công nhận "Gia đình văn hóa" lên tới 90%, trong đó gần 75% số hộ được công nhận 3 năm liên tục.

Phát triển kinh tế hộ - yếu tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở Na Rì ảnh 2

Hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

 

Từ thực tế cho thấy, việc xây dựng văn hóa gia đình và công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Từ kết quả đạt được, để nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa trong thời gian tới, huyện Na Rì xác định tập trung một số giải pháp sau: Đưa nội dung công tác xây dựng đời sống văn hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của các cơ quan, ngành, địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng đời sống văn hóa nói chung, xây dựng gia đình văn hóa nói riêng gắn với phát triển kinh tế hộ theo những tiêu chí đã đề ra.

Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình văn hóa. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn, xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể. Nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa gia đình, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu "Gia đình văn hóa".

Đồng thời, tăng cường đầu tư và huy động có hiệu quả các nguồn lực cho công tác xây dựng đời sống văn hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào, đánh giá kết quả xây dựng đời sống văn hóa từng giai đoạn kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực, đưa hoạt động này thành định kỳ thường xuyên từ huyện đến cơ sở.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm