![Người dân không nên mua dự trữ thuốc Tamiflu, thuốc này cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ Người dân không nên mua dự trữ thuốc Tamiflu, thuốc này cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ](https://cdn.baobackan.vn/images/6a194c92353f61d776a0c9e5d04dd1db0d6520462f8ce9a8ccf13d25bde8d3d5cf3ccf6424bb6b904c5de7058db79b48dd16ad5063db87d2607cb166926c3105f2888ac00fe88929992dad3083b0c1b5/edit-tamiflu-1-400x400-1739411865759970946263.png)
Theo Cục Quản lý Dược, gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, số ca cúm mùa, đặc biệt là cúm A có xu hướng gia tăng. Vì vậy, để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, nhất là đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.
Cụ thể, các Sở Y tế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc như: thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết…, các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị; thực hiện đúng các quy định về mua, bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm mùa, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Bên cạnh đó, các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm mùa phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này, còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tamiflu là thuốc kháng virus phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi. Người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu, nếu dùng không theo chỉ định, liều lượng và có sự theo dõi của bác sĩ, người bệnh có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
Hiện nay, thuốc Tamiflu vẫn có sẵn ở các bệnh viện, chưa có hiện tượng khan hiếm hay khó tiếp cận thuốc này.
Người dân không nên quá hoang mang. Nếu có dấu hiệu của bệnh cúm thì nên đi xét nghiệm cúm. Khi đó tuỳ trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị. Vì vậy, người dân không nhất thiết phải tự mua và uống dự phòng Tamiflu./.